Dư âm Hội nghị Trung ương 9 khóa 13

Lê Văn Đoành|

Hội nghị Trung ương 9 khóa 13 bế mạc vào buổi sáng 18-5-2024, nhưng dư âm “hậu trường” hội nghị vẫn còn đó những dư luận xôn xao.

Hội nghị không “thành công tốt đẹp” như lời ông Nguyễn Phú Trọng và truyền thông của đảng công bố với dân chúng. Nhiều nội dung không thể thực hiện được, đó là lý do tại sao hội nghị bị cắt ngắn một buổi so với lịch làm việc ban đầu.

Sáng ngày 20-5-2024, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15 khai mạc. Trong nhà nước độc tài đảng trị, Quốc hội chỉ là nơi “thể chế hoá các nghị quyết của đảng”.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường thông tin, trong Hội nghị Trung ương 9 khóa 13, đảng chưa giới thiệu nhân sự để bổ nhiệm Bộ trưởng Công an, “vì thế, tại kỳ họp này chưa phê chuẩn miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Công an“, ông Cường phát biểu.
Thông tin trên đồng nghĩa với việc Tô Lâm vẫn ôm khư khư ghế Bộ trưởng Bộ Công an.

Tiếp tục khủng hoảng

Tại hội nghị Trung ương 9, có bốn nội dung tranh cãi gay gắt, để rồi đi vào ngõ cụt:

1. Bầu bổ sung ủy viên Bộ Chính trị:
Cả 4 nhân vật được bầu bổ sung đều là người của các ban đảng:
– Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
– Lê Minh Hưng, Chánh Văn phòng Trung ương
– Bùi Thị Minh Hoài, Trưởng Ban Dân vận Trung ương
– Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Nhân vật Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương, Phó Thủ tướng Chính phủ, không được bầu vào Bộ Chính trị, sẽ gây ra cuộc sát phạt “một mất một còn” của các thành viên chính phủ.
Lê Minh Khái là đệ tử ruột của Vương Đình Huệ. Nếu Huệ lên A1 (Tổng bí thư), Khái sẽ ngồi A3 (Thủ tướng). Nay Huệ bị phế truất, Khái cũng “tứ bề thọ địch”. Ghế ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ khóa 14, nhiệm kỳ 2026-2031 sẽ thuộc về Lê Hoài Trung.

2. Không bầu bổ sung được thành viên Ban Bí thư:
Một nhân vật nào đó chỉ cần vào được Ban Bí thư khóa 13, sẽ chắc suất ngồi ghế Bộ Chính trị khóa 14. Do đó, các phe phải đấu nhau không khoan nhượng. Kết quả, nhân sự của các phe đưa ra lấy phiếu thăm dò đều không đạt yêu cầu. Vì vậy, việc bầu bán tạm dừng, chờ hội nghị lần sau.
Tại hội nghị này, yêu sách đưa người của mình vào Ban Bí thư, để nắm Bộ Công an khóa 14 của Tô Lâm đã bị “đánh chặn”. Người của phe Tô Lâm không vào được, người phe khác cũng không thể vào. Việc không bổ sung thành viên Ban Bí thư, gây hệ quả khủng hoảng, thiếu nhân sự cho các vị trí quan trọng cần bổ sung:
– Chức danh Chánh văn phòng Trung ương (Lê Minh Hưng đã sang Trưởng ban Tổ chức Trung ương).
– Chức danh Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương (khi tướng Nguyễn Trọng Nghĩa sang nắm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng).

3. Không giới thiệu được nhân sự để đưa ra Quốc hội bầu và phê chuẩn các chức danh sau:
– Bộ trưởng Bộ Công an (thay Bộ trưởng Tô Lâm đã leo lên Chủ tịch nước).
– Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội (thay Phó Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đã lên Chủ tịch Quốc hội).

4. Tờ trình xin ý kiến Trung ương về Danh sách quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 14, đã bị ách lại:
Các bộ, ban, ngành Trung ương và tất cả các địa phương đã tổ chức hội nghị giới thiệu nhân sự quy hoạch vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 14, nhiệm kỳ 2026-2031, đã hoàn tất cuối tháng 8-2024. Tuy nhiên, đề cử là một việc, chốt danh sách lại là việc khác. Các phe vẫn đang đấu nhau để loại tên này, cắm tên kia, là người của mình vào danh sách quy hoạch.
Hồi chuẩn bị đại hội 11, Hồ Đức Việt, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương, Trưởng Ban Tổ chức, chỉ vì gạch tên Nông Quốc Tuấn ra khỏi danh sách, đã bị Nông Đức Mạnh đánh văng ra khỏi đại hội 11.
Việc ông Võ Văn Thưởng và bà Trương Thị Mai, thành viên Tiểu ban nhân sự đại hội 14 bị “cưa ghế” bất ngờ, đã làm cho cục diện xoay chiều. Danh sách nhân sự chắc chắn sẽ thay đổi khi “bộ tam” Tô Lâm – Lương Cường- Lê Minh Hưng thọc tay vào.

Nhân tố bất ổn: Tô Lâm

Mọi sự chú ý của dư luận xã hội hiện đang đổ dồn vào nhân vật Tô Lâm. Năm 2021, đại hội 13 ra mắt Bộ Chính trị với 18 thành viên. Theo thứ tự trong đảng lúc đó, bộ trưởng Tô Lâm chỉ ở vị trí A13, xếp sau cả Phạm Bình Minh và Trần Tuấn Anh. Khi Nguyễn Xuân Phúc và Phạm Bình Minh bị “cưa ghế”, Tô Lâm được đôn lên A10.

Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ lần thứ 7 khóa 13, diễn ra hồi tháng 5 năm 2023, lấy phiếu tín nhiệm đối với 21 Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Cả Tô Lâm và Trần Thanh Mẫn chỉ đạt 150/185 phiếu “tín nhiệm cao” trong cuộc chơi này.
Đến nay, tròn một năm sau ngày lấy phiếu tín nhiệm lần đó, cán cân quyền lực đã quay 180 độ.

Sau khi dùng các đòn phép “chứng cứ phạm tội”, “lời khai của bị can”, “kết quả điều tra” … Tô Lâm đã lần lượt đốn ngã các nhân vật sừng sỏ trong Bộ Chính trị khóa 13 gồm: Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh, Trần Tuấn Anh, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, Trương Thị Mai, để nhảy thẳng từ A10 lên A2, xếp trên cả Phạm Minh Chính!

Trong số này, Vương Đình Huệ là người cay đắng nhất, từ bỏ giấc mộng đế vương, ngậm ngùi rời chính trường. Huệ được Nguyễn Phú Trọng quy hoạch chức danh Tổng bí thư khóa 14, nhiệm kỳ 2026-2031.

Tuy đã vọt lên ghế chủ tịch nước, ung dung chắc suất “nhân sự đặc biệt” khóa 14, nhưng Tô Lâm vẫn không chịu “nhả” ghế Bộ trưởng Bộ Công an. Chủ tịch nước kiêm bộ trưởng Bộ Công an, Tô Lâm đang làm Nguyễn Phú Trọng dở khóc, dở cười.

Trước đây, ông Trọng đã “ngồi xổm” lên Điều lệ đảng, khi ôm ghế tổng bí thư ba nhiệm kỳ. Nay Tô Lâm bắt chước ông, “ngồi xổm” lên Hiến pháp. Tay trái bộ trưởng Tô Lâm ném người ta vào tù, tay phải chủ tịch nước Tô Lâm cầm bút ký đơn ân xá hoặc giữ nguyên bản án tử hình.

Theo khoản 2 điều 88 Hiến pháp, Chủ tịch nước – Bộ trưởng Tô Lâm sẽ có quyền “Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ”.

Điều này chưa từng có trong lịch sử bất kỳ quốc gia nào, dù đó là nhà nước cộng sản. Hiến pháp bị Tô Lâm biến thành trò chơi khôi hài và giễu cợt.

Cuộc đua vào ghế A1

Đến thời điểm này, lộ rõ hai ứng viên tranh chức tổng bí thư khóa 14: Tô Lâm và Phạm Minh Chính. Nếu Tô Lâm là A1, Phạm Minh Chính sẽ là A2; và ngược lại.

Tướng Lương Cường, chỉ là nhân vật “gặp thời” để nhảy lên A5, ngồi ghế Thường trực Ban bí thư, khi cả Thưởng, Huệ, Mai đều bị văng ra khỏi chính trường. Nếu không có biến động này, Lương Cường sẽ về vườn đầu năm 2016, với chức danh Chủ nhiệm Tổng Cục chính trị.

Quân đội dưới thời tướng Phan Văn Giang bị lép vế so với bên công an. Tô Lâm “làm mưa làm gió” lấn át tất cả, trong khi đó quân đội chỉ biết “kính nhi viễn chi”. Vì vậy, việc Lương Cường tranh A1, gần như đã hết cửa.

Chính trường Việt Nam đầy rẫy mưu mô và thủ đoạn. Phe nào lên, dân cũng là người khổ nhất. Võ Văn Thưởng, trùm lý luận muốn “Tiếp tục làm sáng tỏ con đường lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” đang trốn biệt tăm, không xuất hiện. Còn đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng, “đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa” thì đang hụt hơi và thua trắng khi chơi cờ với các kỳ thủ trong bóng tối./.

Nguồn: Báo Tiếng Dân