Trung Quốc ‘dòm ngó’ mỏ đất hiếm Việt Nam

Khánh An dịch  (VNTB)

Tuyến đường sắt trong dự án được nâng cấp sẽ đi qua khu vực có trữ lượng đất hiếm lớn nhất ở Việt Nam

Dự án mở rộng đường sắt quốc gia Việt Nam sẽ được Trung Quốc bỏ vốn đầu tư vì họ muốn xí phần trước mỏ đất hiếm mà Hoa Kỳ đang nhắm đến…

Các quan chức cấp cao và nhà ngoại giao cho biết, Trung Quốc và Việt Nam đang nỗ lực nâng cấp các tuyến đường sắt kém phát triển của hai bên để tăng cường tuyến đường đi qua trung tâm đất hiếm của Việt Nam và đến cảng hàng đầu ở phía bắc.

Được biết, các cuộc đàm phán này thuộc quá trình chuẩn bị cho chuyến thăm Hà Nội trong vài tuần tới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chuyến công du này khẳng định thêm vai trò chiến lược ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu khi các cường quốc trong đó có Hoa Kỳ tranh giành ảnh hưởng ở Việt Nam.

Các nhà ngoại giao cho biết, dự kiến mối quan hệ thương mại sâu sắc hơn và tuyến đường sắt sẽ được thảo luận vào ngày đầu tháng 12 này khi ngoại trưởng Vương Nghị gặp Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại Hà Nội.

Trước đó,  Thủ tướng  Phạm Minh Chính đã kêu gọi nâng cấp tuyến đường sắt nối Côn Minh ở miền nam Trung Quốc với thành phố cảng Hải Phòng, Việt Nam trong một tuyên bố  sau khi Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào có chuyến công du hiếm hoi tới Việt Nam.

Quan chức Trung Quốc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng với Việt Nam. Việt Nam đã có  đường sắt nối liền với Trung Quốc, nhưng hệ thống này đã cũ nên năng lực phía Việt Nam còn hạn chế. Hai hệ thống này hiện không thể tương tác với nhau, nghĩa là các chuyến tàu phải dừng ở biên giới còn hành khách và hàng hóa được chuyển sang dịch vụ nội địa.

Tuyến đường sắt trong dự án được nâng cấp sẽ đi qua khu vực có trữ lượng đất hiếm lớn nhất ở Việt Nam, và Trung Quốc là nước thanh lọc đất hiếm lớn nhất thế giới.

Việt Nam đang cố gắng xây dựng nền công nghiệp riêng và được coi là điều có thể thách thức được sự thống trị của Trung Quốc. Nhưng việc đấu đá nội bộ đã tạo ảnh hưởng xấu cho những nỗ lực này.

Theo truyền thông nhà nước Việt Nam, các chuyên gia ngành đất hiếm Trung Quốc và Việt Nam đã thảo luận vào tuần trước về việc hợp tác mạnh mẽ hơn trong việc chế biến khoáng sản.
Không rõ Trung Quốc sẽ đóng góp bao nhiêu cho việc nâng cấp tuyến đường sắt ở Việt Nam và liệu Hà Nội có chấp nhận nguồn tài chính lớn từ Bắc Kinh cho việc này hay không.

Tuyến đường này có thể được coi là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) hàng đầu của Trung Quốc đang hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng trên khắp thế giới,  một nhà ngoại giao cho biết tuy nhiên ông ta không rõ liệu dự án đường sắt Việt- Trung có được coi là dự án BRI hay không.

Tuyến đường sắt mới cũng có thể thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc, chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy du lịch Trung Quốc đến miền Bắc Việt Nam và hội nhập hơn nữa các ngành công nghiệp sản xuất của hai nước.  Các chuyên gia đã coi đây là việc cộng sinh với các nhà máy ở Việt Nam chủ yếu lắp ráp linh kiện sản xuất tại Trung Quốc.

 Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam  và cũng là nhà đầu tư chính từ đầu năm đến nay, với đầu tư từ Hồng Kông, khi nhiều công ty Trung Quốc chuyển một số hoạt động sang Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Washington.

Bất chấp những liên kết kinh tế đang phát triển, hai quốc gia cộng sản vẫn vướng vào việc tranh chấp hàng hải kéo dài hàng chục năm ở Biển Đông và có một cuộc chiến ngắn hồi cuối thập niên 70.

Nguồn: Reuters –  https://www.reuters.com/world/asia-pacific/china-vietnam-consider-rail-l...