Vai trò của ngài Thích Minh Tuệ trong xã hội chúng ta

Xuân Sơn Võ

Có bạn nói: “Từ khi Sư Thích Minh Tuệ xuất hiện, thì dân mạng cũng “buông bỏ” hơn, ít chửi các ông Thích Việt Á, Thích Giải Cứu, Thích Thủ Thiêm, Thích Vạn Phát…”. Lại cũng có người nói, ai cũng đi tu, thì lấy đâu ra người trồng lúa, dệt vải…

Mặc dù những lời nói này bị cư dân mạng phản đối, nhưng suy cho cùng, thì những điều mà người ta nói đó vẫn có phần nào đúng. Đúng hay không thì cần nhìn nhận về mặt xã hội. Trong một xã hội nguyên thủy, tự cung tự cấp, mỗi người, hay mỗi quần thể nhỏ, như bộ lạc chẳng hạn, phải tự kiếm sống, thì việc đáp ứng nhu cầu bản năng, chủ yếu là miếng ăn, trở nên quan trọng nhất. Thời đó, ai không tạo ra miếng ăn, người đó là vô dụng.

Nhưng xã hội con người tiến hóa lên. Miếng ăn, tấm che thân chỉ còn được coi là nhu cầu tối thiểu. Nhu cầu vật chất của con người đã vượt rất nhiều lần miếng ăn với tính bản năng. Nhưng khi vật chất đầy đủ cho nhu cầu bản năng, con người ta lại có những nhu cầu khác, trong đó có nhu cầu thể hiện mình. Người ta thích được công nhận, thích được khen, thích tỏ ra vượt trội.

Từ cái nhu cầu được thể hiện mình đó, mà nhu cầu về vật chất thay đổi. Cũng là miếng ăn bỏ vô miệng, nhưng nó phải được chế biến cầu kì, với bao nhiêu gia vị, thậm chí được dát vàng, rồi có người đút cho ăn. Cũng là nơi trú mưa nắng, nhưng nó phải nguy nga, lộng lẫy. Cũng là cái để giữ hơi ấm, nhưng nó phải kiểu này, màu kia, nhãn hiệu này khác…

Do những nhu cầu vượt lên trên nhu cầu bản năng kia càng ngày càng lớn, con người ta được sinh ra càng ngày càng nhiều, nên tổng thể của cải, vật chất không thể đáp ứng được cho mọi người. Khi đó, xã hội sẽ phân chia số của cải vật chất không đồng đều cho mọi người. Đã gọi là nhu cầu, thì dù cho đó không phải là nhu cầu thiết yếu, thì ai cũng muốn nhu cầu của mình được đáp ứng, cái đó gọi là lòng tham. Từ đó sinh ra sự chiếm đoạt.

Người ta bảo kẻ mạnh sẽ chiếm đoạt được nhiều hơn. Sự chiếm đoạt của kẻ mạnh làm giảm đi nguồn vật chất cho những kẻ kém mạnh hơn. Thậm chí, một số người yếu thế nhất còn không có vật chất để đáp ứng được nhu cầu tối thiểu để tồn tại của họ. Từ đó sinh ra chém giết, chiến tranh…

Để điều hòa được giữa nhu cầu và sự thụ hưởng, giữa nhóm người này và nhóm người khác, giữa các cá thể này với cá thể khác, người ta đưa ra những luật lệ. Trong bất cứ xã hội nào, khi đặt ra luật lệ, thì những kẻ mạnh sẽ có nhiều quyền để luật lệ có lợi cho mình hơn. Chính lòng tham đã can dự vào, và tạo nên việc làm cho luật lệ không công bằng.

Đạo đức chính là thứ có thể khống chế lòng tham, làm cho xã hội trở nên cân bằng hơn. Đạo đức xã hội chính là thước đo sự tiến hóa của một xã hội.

Tôn giáo là phương tiện để duy trì đạo đức xã hội. Tất cả các tôn giáo phổ biến đều hướng đến Chân, Thiện, Mĩ, nền tảng cơ sở để phát triển đạo đức xã hội. Tùy theo từng nơi, mà tôn giáo có giữ được chức năng mang lại Chân, Thiện, Mĩ cho xã hội, hay bị lũng đoạn để trở thành công cụ phục vụ cho lòng tham của một nhóm kẻ mạnh trong xã hội.

Mặc dù bây giờ, so với mấy chục năm trước, chúng ta có nhiều của cải vật chất hơn. Mức sống bây giờ cao hơn hồi trước rất nhiều. TPHCM bây giờ nhà cao cửa rộng, nhiều xe sang hơn so với Sài Gòn Hòn ngọc viễn đông xưa kia rất nhiều. Nhưng con người ta vẫn không vui, vẫn hoài niệm. Đó chính là do chúng ta đang thiếu một nền tảng đạo đức xã hội lành mạnh.

Vì thiếu nền tảng đạo đức xã hội lành mạnh đó, nên mới có những vụ án như vụ “giải cứu”, vụ “Việt Á”, mới có hàng đống quan chức ăn tàn phá hại, phá nát đất nước. Chính vì không có gì khống chế lòng tham, nên mới có một Trương Mỹ Lan dù có vô số tài sản, hàng núi tiền, nhưng vẫn tìm cách lừa đảo, chiếm đoạt tiền của bá tánh…

Người Việt Nam chúng ta đang khát khao Chân, Thiện, Mĩ, khao khát một nền tảng đạo đức xã hội lành mạnh. Chính vì vậy mà khi biết đến Ngài Thích Minh Tuệ, người đã thể hiện được Chân, Thiện, Mĩ của tôn giáo, người dân, bất kể thuộc tôn giáo nào, đã nhanh chóng chấp nhận và yêu mến ông.