Người Mỹ “chào đón” Tập Cận Bình trong chuyến thăm Philippines vào ngày 20-21/11/2018 vừa qua bằng hai nhóm tàu hàng không mẫu hạm tấn công USS Ronald Reagan và USS John C. Stennis cùng 10 chiến hạm hộ tống, 150 máy bay và 12.600 lính được điều động tới hội quân ở biển Đông, chỉ cách thành phố nơi diễn sự kiện ông Tập tới tham dự buổi khánh thành tổng lãnh sự quán Trung Quốc khoảng 200 km về phía Tây.
Trước đó, ngày 19/11/2018, hai pháo đài bay B-52H Stratofortress cất cánh từ Guam đã bay lượn phía trên những căn cứ quân sự mà Trung Quốc xây dựng theo hành trình bay đã định trước. Một thông điệp ngoại giao rất cowboy không úp mở: Mỹ sẵn sàng và luôn chủ động cho bất cứ cuộc đối đầu quân sự nào với Trung cộng ở vùng biển này, bất kể có cần sự đồng ý hay không của những quốc gia như Philippines hay Việt Nam.
Tại cuộc họp thượng đỉnh APEC 2018 diễn ra tại Papua New Guinea, lần đầu tiên sau 29 năm lịch sử APEC, cuộc họp thượng đỉnh 21 nền kinh tế đã kết thúc trong bế tắc vì hai nền kinh tế lớn nhất là Mỹ – Trung đã không tìm được tiếng nói chung. Thay vào đó, hai bên đã có những công kích không khoan nhượng những chính sách thương mại lẫn chính trị của nhau theo quan điểm riêng của mỗi bên.
Đoán trước những “kịch bản” của Trung cộng và thứ “ngoại giao cuồng nộ” của Bắc Kinh tại diễn đàn này, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã đến APEC 2018 để gửi đi một thông điệp không khoan nhượng chứ không phải để tìm kiếm một sự đồng thuận. Việc Bắc Kinh “công diễn” những trò lố ở diễn đàn thượng đỉnh 21 nền kinh tế lần này chỉ khiến cho tất cả các quốc gia khác thấy rõ hơn bộ mặt gớm ghiếc của thứ chủ nghĩa “Cộng sản thực dân”. Những nhà ngoại giao Trung cộng ngày càng trở nên dễ bị kích động, thiếu kiềm chế và sẵn sàng bộc lộ bản chất và thứ văn hóa “đại Hán” hoàn toàn trái ngược với thế giới văn minh.
Trên tờ vnexpress.net – một tờ báo mạng “chính thống”của CSVN, hôm 20/11/2018 có đăng bài phân tích của tác giả Thành Nguyễn với những nhận định mang tính khách quan và có căn cứ (một điều hiếm hoi đối với báo chí Việt Nam) khi nói về“nguy cơ thất bại của Trung Quốc nếu nổ ra chiến tranh lạnh với Mỹ”. Thực ra, cuộc chiến tranh Mỹ – Trung đã bắt đầu mà không bên nào tuyên bố. Trung Quốc đã âm thầm một chính sách đồng bộ làm suy yếu các nền tảng kinh tế, chính trị, văn hóa của Hoa Kỳ từ nhiều thập kỷ qua.
Việc Hoa Kỳ liên tục dồn ép Trung Quốc trên mặt trận thương mại, áp đặt hàng rào thuế quan, xiết chặt việc chống hàng giả, ăn cắp bản quyền trí tuệ, gián điệp kinh tế, gián điệp công nghệ, v.v… chỉ là những nước cờ đầu tiên. Những chính sách này, ngay lập tức, làm cho nền tảng kinh tế Trung Quốc rung chuyển.
Hiệp định thương mại Bắc Mỹ NAFTA với các nền kinh tế lớn như Mexico, Canada có những điều khoản ràng buộc như điều 32.10 thực sự có tác dụng “hủy diệt” đối với một nền kinh tế vốn phụ thuộc rất lớn vào xuất cảng. Chỉ trong vòng 6 tháng kể từ khi cuộc chiến tranh thương mại bắt đầu, thị trường chứng khoán Trung Quốc, Hongkong mất đến 30% tổng giá trị.
Làn sóng “di tản” ồ ạt chưa từng có của các doanh nghiệp ở những vùng trọng điểm công nghiệp như Quảng Đông khiến cho những trung tâm kinh tế tiêu điều nhanh chóng cho thấy “người khổng lồ Trung Hoa” không mạnh như người ta nghĩ.
Quốc sách phát triển kinh tế nhờ việc nô dịch một lực lượng lao động khổng lồ 400 triệu người sống ở mức nghèo khổ để lấy làm ưu thế “lao động giá rẻ” biến quốc gia này trở thành “công xưởng thế giới”, cùng với chiến lược gián điệp kinh tế, công nghệ, khoa học và sản xuất hàng giả trên qui mô toàn cầu được sự hỗ trợ đắc lực của chính phủ Trung cộng đã tạo ra ưu thế cạnh tranh rất lớn trong quá khứ.
Những tập đoàn công nghệ như ZTE, Huawei, Tencent, Alibaba… đã góp phần làm cho Trung Cộng lớn mạnh nhanh chóng trong vài thập kỷ qua. Nhưng giờ đây, những sách lược và thủ đoạn này lại trở thành “tử huyệt” của một hệ thống thiếu những cấu trúc cơ bản và bền vững, dễ dàng bị tổn thương trong cuộc chiến tranh thương mại với người Mỹ. Chưa kể vô số những rủi ro tiềm ẩn về xã hội như môi trường, dân số, mâu thuẫn chủng tộc… mà Trung Quốc cố gắng giấu diếm. Sự sụp đổ về kinh tế chắc chắn sẽ kéo theo cuộc khủng hoảng tồi tệ về xã hội.
Trong bối cảnh đó, rất có thể một cuộc chiến tranh ở mức giới hạn nhằm tập trung tối đa hóa quyền lực trong nước và hướng mối quan tâm của xã hội vào các xung đột nằm ngoài đường biên giới, khơi gợi tình yêu nước và tham vọng bá quyền của chủng tộc có thể là một giải pháp chính trị của Trung Quốc cộng sản đảng.
Nỗ lực quân sự hóa biển Đông nhằm thay đổi địa kinh tế chính trị khu vực Đông Nam Á được Trung Quốc cộng sản đảng dưới thời Tập Cận Bình đặt làm mục tiêu hàng đầu trong tham vọng “một hành lang, một con đường”. Con kênh đào Kra, tổ hợp kinh tế- quân sự viễn chinh lớn nhất của Trung Quốc ở Koh kong, Cambodia và chuỗi căn cứ hải không quân được xây dựng trên các đảo đá chìm ở Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và Scarborough của Philippines hoàn toàn có thể làm thay đổi “bàn cờ” Đông Nam Á.
Sự kiện tàu Lan Châu 170 cắt mũi tàu USS Decatur và xua đuổi máy bay P-8A của hải quân Hoa Kỳ cho thấy “kẻ thách thức” Trung Quốc đã có quá nhiều tự tin vào sức mạnh bản thân và Biển Đông là “giá trị cốt lõi” trong tham vọng thế kỷ mang tên “một vành đai, một con đường” khiến Bắc Kinh nóng lòng chiếm đoạt bằng mọi giá.
Trong cuộc đối đầu địa chính trị ở Đông Nam Á, Đài Loan và biển Đông là hai vấn đề Mỹ – Trung sẽ không bên nào khoan nhượng cho bên nào. Như nhận định của đô đốc Philip S. Davidson, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ vào ngày 17/4/2018, trước quốc hội Hoa Kỳ “Chỉ có chiến tranh mới có thể ngăn cản được Trung Quốc độc chiếm biển Đông”.
Chính quyền ông Trump đã có một số thay đổi chính sách về mặt đối ngoại so với chính quyền Obama. Đầu tiên là đạo luật ủy quyền quốc phòng NDAA được thượng viện Mỹ thông qua vào 1/8/2018 cho phép tăng ngân sách quốc phòng của Hoa Kỳ tới 716 tỷ USD cho tài khóa quân sự 2019. Đồng thời thực hiện 14 các hành động cụ thể nhằm tăng cường năng lực quân sự viễn chinh cho quân đội Mỹ tại vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, hỗ trợ các đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Ẩn Độ trong việc chống lại ảnh hưởng của Trung cộng, thực hiện các nghiên cứu, khảo sát toàn diện về Trung Quốc một cách hệ thống, cấm Trung Quốc tham gia tập trận Vành đai Thái Bình Dương và hạn chế hoạt động của Viện khổng tử tại các trường đại học Mỹ… Rút khỏi hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung INF với Nga để không bị ràng buộc bởi những “di sản” từ cuộc Chiến tranh lạnh đã không còn phù hợp nhằm triển khai lực lượng tên lửa đạn đạo mặt đất tại Châu Á. Riêng việc duy trì thường trực hai nhóm tàu hàng không mẫu hạm ở biển Đông đã cho thấy Hoa Kỳ đặt trọng tâm vào vùng biển này như thế nào.
Những chính sách từ kinh tế, ngoại giao, quân sự, văn hóa, giáo dục… Hoa Kỳ đã triển khai nhằm cô lập về cả chính trị, kinh tế và quân sự, hạn chế năng lực phát triển và ảnh hưởng của Trung cộng một cách hệ thống, đồng bộ. Tất cả những bước đi này để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh đang cận kề chứ không đơn thuần là những “thông điệp ngoại giao cứng rắn”.
Tuy nhiên, khác với ở Đông Á, nơi mà ảnh hưởng của người Mỹ có nền tảng vững chắc với hai đồng minh là Hàn Quốc và Nhật Bản. Vùng Đông Nam Á, nơi ảnh hưởng văn hóa, chủng tộc cũng như sự thao túng chính trị rất lớn của Bắc Kinh đối với các quốc gia như Việt Nam, Thailand, Cambodia, Laos, Philippines, Malaysia, Indonesia…chắc chắn sẽ gây khó khăn cho người Mỹ.
Sách lược quen thuộc từ hàng thế kỷ nay được các hoàng đế Trung Hoa ưa dùng là việc ban tặng xe đẹp, ngựa tốt, mỹ nữ, rượu ngon, ngọc quí… để mua chuộc và phủ dụ các “Phiên thần” đồng thời sử dụng lợi thế sức mạnh của nước lớn để răn đe và đảm bảo vị thế và lợi ích chính trị của “thiên triều”. Giờ đây, những khoản vay tài chính hàng chục tỷ nhân dân tệ dễ dàng và những món quà đắt giá của Bắc Kinh dành cho các quốc gia nằm trong lộ trình “nhất đới, nhất lộ” vẫn có tác dụng vô cùng hữu hiệu trong việc lũng đoạn các thể chế chính trị kém dân chủ.
Trong chuyến đi thăm Philippines vừa qua của Tập Cận Bình, Bắc Kinh đã gặt hái được nhiều hiệp định song phương về kinh tế, văn hóa, giáo dục… trong đó đặc biệt có hiệp định về “hợp tác và cùng khai thác dầu khí ở biển Nam Trung Hoa”.
Cuộc bầu cử ngày 24/11 vừa qua tại Đài Loan cũng đánh dấu sự trỗi dậy của Quốc Dân đảng, tạo áp lực trực tiếp với đảng cầm quyền Dân Tiến của Tổng thống Thái Anh Văn – người chủ trương chống ảnh hưởng của Trung Quốc quyết liệt. Việt Nam tiếp tục “kiên định” với “16 chữ vàng, 4 tốt” với người hàng xóm tham lam và lên tiếng “phản đối bất cứ liên minh quân sự nào ở biển Đông”, đồng thời cho rằng những liên minh quân sự có khả năng “gây phương hại tới ổn định và hòa bình khu vực”…
Có thể thấy, những lợi quyền mà Bắc Kinh đảm bảo cho các thể chế chính trị độc tài tại Đông Nam Á có tác dụng rất lớn và “hội chứng Stockolm chính trị” rất phổ biến ở giới chóp bu các quốc gia thuần phục Bắc Kinh.
Với một thế trận chính trị cài răng lược, giằng co ở biển Đông, việc Mỹ duy trì một lực lượng lớn hải-không quân tại vùng biển Đông chật hẹp trong thời gian dài rõ ràng không phải là giải pháp tốt nếu không có một quyết đoán cao nhất. Trước mắt, những biện pháp quân sự trên chỉ mang tính biểu tượng, răn đe, khẳng định vai trò của người Mỹ ở bàn cờ Ấn Độ- Thái Bình Dương. Khả năng để dẫn đến một xung đột quân sự,tuy vậy, rất thấp.
Trong khi đó, Bắc Kinh sẽ tập trung khoan sâu vào những mắt xích yếu nhất trong khối ASEAN đặc biệt là Việt Nam và Philippines. Trước áp lực áp lực của Hoa Kỳ, Bắc Kinh có thể buông bỏ một số mục tiêu ở quá xa với “Thiên triều” vì nhiều lý do, trong đó yếu tố quyết định là sự dàn trải đầu tư quá mức ở các “thuộc địa” với mục tiêu dài hạn góp phần suy yếu nhanh chóng nền kinh tế ở Trung quốc đại lục.
Thay vào đó, “mục tiêu cốt lõi” của “hoàng đế Tập” sẽ tập trung vào bán đảo Đông Dương và vùng biển Đông chiến lược. Cuộc chiến ở Biển Đông chắc chắn đầy thử thách, cam go và rất có thể trở thành một “bãi lầy” cho cả hai bên trong nhiều thập kỷ. Các quốc gia Đông Nam Á sẽ có nhiều sự lựa chọn to lớn giữa Thịnh vượng – Tự Do hoặc Đói nghèo – Nô lệ trong cuộc đấu giữa hai cường quốc Mỹ – Trung tùy thuộc vào nhận thức và hành động của các quốc gia đó.
Tân Phong