Sáu tháng cuối năm 2018, chính trường Việt Nam chao đảo với hàng loạt sự kiện liên quan các vụ án nhắm vào giới quan chức nắm giữ các ảnh hưởng quyền lực lẫn đầu dây mối nhợ của các nhóm lợi ích hàng đầu Việt Nam. Có thể là ngẫu nhiên, cũng có thể là một kịch bản “hợp lý” khi ông Trần Đại Quang đột ngột từ trần đã tạo một bước ngoặt cho việc thống nhất quyền lực về tay Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ngay sau khi kiêm chức Chủ tịch nước, 2 trong số 6 cựu tướng lĩnh cấp tổng cục và Tổng cục của Bộ công an bị bắt trước đó do liên quan vụ án tổ chức đánh bạc là Phan Văn Vĩnh và một Nguyễn Thanh Hóa ra tòa. Một động thái trước đám tang Trần Đại Quang, thái độ lừng khừng và nhiều thông tin manh nha cho thấy khả năng vụ án sẽ chuyển sang: xử lý nội bộ”. Đây cũng là 2 trong số 4 tướng được ông Nguyễn Tấn Dũng thăng cấp và bổ nhiệm cùng lúc trước khi rời ghế Thủ tướng không lâu. Dư luận vẫn âm ỉ đồn đoán mục tiêu cuối cùng của công cuộc chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng chỉ thành công và chỉ kết thúc khi đạt đến đích là chính Nguyễn Tấn Dũng. Nhân vật quyền lực bất ngờ ngã ngựa vào phút cuối năm 2016, để lại câu nói để đời là khuyên các quan chức ở lại hãy “là người tử tế”.
Trên mặt trận kinh tế, việc bắt ông trùm ngân hàng Trần Bắc Hà được xem như cú đốn hiểm và ngoạn mục nhất từ khi phát động cuộc chiến chống tham nhũng. Những người quan tâm tới hiện tình chính trị Việt Nam thì ai cũng biết tầm vóc của Trần Bắc Hà lớn đến mức nào. Có thể nói rằng: Nếu gom hết tất cả các vụ đại án kinh tế đình đám trong khoảng 10 năm trở lại đây cộng lại thì may ra cũng chỉ bằng 1/3 qui mô ảnh hưởng kinh tế của Trần Bắc Hà. Một nhân vật được xếp vị trí “chỉ dưới một người” là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lúc đương chức.
Song song với đó, dư âm vụ án quan chức Bộ công an bảo kê đánh bạc vừa tạm lắng thì vụ qui hoạch Thủ Thiêm đột ngột bùng lên dẫn đến lệnh bắt, tạm giam hai cựu Phó chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh là Nguyễn Hữu Tín và Nguyễn Thành Tài. Tiếp tục, ngày 14/12/2018, Bộ công an ra thông báo khởi tố vụ án và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với hai tướng công an là Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành. Đây chính là 2 trong số 4 tướng được nói ở trên. Như vậy: Việc khởi tố đối với Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành, tuy liên quan các vụ án khác nhau nhưng chỉ rõ một sự thật là các vị trí quyền lực nhất mà ông Dũng để lại trong Bộ công an đã bị đánh bại hoàn toàn. các ảnh hưởng còn lại của ông Dũng trong Bộ công an nếu có cũng không còn đáng kể.
Việc khởi tố đối với các cựu quan chức Thành phố Hồ Chí Minh được dư luận đồn đoán là nhằm vào cựu Bí thư thành phố Lê Thanh Hải, hỗn danh là “Hải Japan; Hải heo..”. Tuy nhiên, nếu chỉ nói đích đến là Lê Thanh Hải thì chỉ là xét đoán trên dấu hiệu bề nổi. Vì sớm hay muộn, chắc chắn Lê Thanh Hải không thể thoát khi mà chỗ dựa quyền lực lẫn dòng chảy kinh tài liên quan “gia tộc Lê Thanh Hải” đã bị đốn hạ. Ẩn phía sau cái tên Lê Thanh Hải là câu chuyện khác hơn nhiều mà điểm bắt đầu phải kể đến là liên minh đứng sau để Lê Thanh Hải dám chống lại cả lệnh điều động của TW, không chịu ra Hà Nội để bàn giao ghế Bí thư thành phố cho Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng (sau lên Chủ tịch quốc hội) cách đây gần 20 năm. Thế lực liên minh này phải đủ mạnh để khiến ngay cả bóng dáng Nguyễn Tấn Dũng lúc đương quyền cũng không đủ để Lê Thanh Hải phải quá e dè khi vẫn ung dung tự tại khiến Ngân hàng Bản Việt của Nguyễn Thanh Phượng – con gái ông Dũng chịu thất bại ngay ở Thành phố Hồ Chí Minh vào những năm 2007-2009. Đây cũng chính là một phần nguyên nhân tạo nên tên tuổi Trần Bắc Hà, từ một Giám đốc chi nhánh của Ngân hàng đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) tỉnh Bình Định, nhảy lên Chủ tịch BIDV, bất ngờ và nhanh chóng vươn tới vị trí mà dư luận còn có đánh giá khác là có thể “phớt lờ cả Ngân hàng nhà nước” (!)
Hướng tiến công của mặt trận mới đã hé lộ khi một nhân vật liên quan đường dây đưa Trịnh Xuân Thanh ra nước ngoài đã bị bắt và cả các đường dây mối nhợ liên quan Vũ “nhôm” sắp đưa ra xét xử sẽ lộ rõ, bất chấp mọi suy đoán và cái thế hừng hực đang có vẻ dồn vào hai cái tên Lê Thanh Hải và Nguyễn Tấn Dũng. Rất nhiều khả năng hướng tiến công không nhằm vào 2 ngọn cờ đã trong tình thế chơ vơ không có cả chân lẫn người bảo vệ. Hướng tấn công này khó khăn và nguy hiểm hơn cả cuộc chiến vừa qua ở Bộ công an.
Năm 2018 có thể sẽ kết thúc bằng lệnh bắt 2 thứ trưởng công an vừa bị khởi tố, nhưng năm 2019 ngọn lửa dữ dội sẽ không chỉ cháy trong “lò chống tham nhũng” mà cả bên ngoài lò, nơi cuộc chiến mặt trận mới đụng tới các chân tay của nhóm quyền lực bao trùm lên nền chính trị Việt Nam qua nhiều thế hệ chứ không đơn giản ở một số cá nhân mang tính biểu tượng. Chưa phải mặt trận cuối cùng, nhưng đây mới chính là mặt trận cam go, mang tính sinh tử lớn nhất mà Đảng cộng sản Việt Nam dưới tay ông Nguyễn Phú Trọng phải chiến thắng hoặc thất bại hoàn toàn./.