Nghe tin một người tù già bị cùm chân

Vi Cầm (Saigon Nhỏ)  

Nhà tù Gia Trung vừa gửi thông báo đến bà Nghiêm Thị Hợp, vợ của ông Trương Văn Dũng (được biết đến với biệt danh quen thuộc Trương “tráng sĩ”), cho biết ông đang bị cùm chân trong buồng kỷ luật với thời hạn bảy ngày.
Ông Dũng bị kỷ luật vì được cho là đã có hành vi “xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác” quy định tại Điểm đ, khoản 2, điều 1 của cái gọi là “Nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân”.

Giấy thông báo đề ngày 21 Tháng Sáu, và đến tay bà Hợp vào ngày 23 Tháng Sáu. Có nghĩa là khi bà Hợp nhận được tin xấu này, chồng bà đang chịu hình phạt cùm chân, hoặc có thể đã được “xả cùm” nhưng vẫn bị đày đọa trong phòng biệt giam kỷ luật.

Nhưng không ai dám chắc rằng, sau bảy ngày, ông đã được “xả cùm” chưa, hay lại nhận thêm vài cái lệnh “gia hạn” theo ngẫu hứng của cai tù? Tất nhiên là với lý do nghe có vẻ rất có căn cứ, kiểu như “tiếp tục vi phạm”, “cải tạo chưa tiến bộ”, hoặc một tội danh vu vơ, mơ hồ nào đó vốn nhan nhản trong tất cả các loại “luật” trong cái hệ thống “xã hội chủ nghĩa”, từ nội quy trại giam cho đến Bộ Luật Hình Sự, thứ làm nên quyền lực tuyệt đối và diện mạo gớm ghiếc của con quái vật độc tài đảng trị. Gì chứ cái trò “gia hạn”, khuyến mại thêm mấy lệnh cùm, cứ hỏi các ông tù thâm niên như Lê Quý Lộc, Nguyễn Viết Dũng, Huỳnh Anh Tú, Nguyễn Văn Hóa…, là rõ nhất.

Theo quyết định kỷ luật được ký Thượng Tá Phạm Khắc Trung – phó giám thị trại giam thì kể từ ngày 20 Tháng Sáu đến ngày 20 Tháng Tám 2024, ông Dũng “không được gặp thân nhân; nhận quà, nhận, gửi thư, liên lạc điện thoại, mua hàng căng tin. Từ ngày 21 Tháng Tám 2024 cho đến khi được công nhận phạm nhân vi phạm đã ‘cải tạo tiến bộ’ thì hai tháng được gặp thân nhân một lần”.

Không biết ông Dũng đã xúc phạm danh dự, nhân phẩm của ai mà đến mức phải bị tống vào buồng cùm? Ngọn ngành câu chuyện ra sao, có lẽ phải chờ đến chuyến thăm nuôi sắp tới của bà Hợp, may ra mới được tiết lộ.
Nhưng cũng không dám chắc bao giờ bà mới được vào gặp chồng. Trong giấy nói là từ nay đến 20 Tháng Tám ông Dũng không được gặp thân nhân. Sau án phạt, ông còn phải chịu thử thách dài lâu. Để được công nhận là “cải tạo tiến bộ” cho việc gặp gia đình, ông phải… ngoan. Nghĩa là phải coi việc cùm kẹp, ăn ngủ, tiêu tiểu tại chỗ là “xứng người xứng tội.” Dù cán bộ có xúc phạm, chửi rủa hay “tác động vật lý,” thì cũng không được tỏ thái độ bất bình, không được “cãi”.

Việc này với Trương “tráng sĩ” nghe chừng khó. Ngay tại phiên tòa, ông còn dám hô “Đả đảo cộng sản”! những ba lần cho đến khi ông bị mấy tên công an bịt miệng, lôi xềnh xệch ra ngoài. Trong nhà tù An Điềm, ông lại cùng các bạn tù giơ khẩu hiệu rồi hô vang “Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam. Đả đảo Trung cộng xâm lược.” Đấy đều là những việc không phải ai cũng dám làm, kể cả khi ở ngoài. Ông Dũng làm điều ấy trong tù, nơi mạng sống của ông nằm trong tay những tên cai tù máu lạnh.

Với khí phách ấy, làm sao mà ông “ngoan” cho được. Nói dại, nếu Trương Văn Dũng bị “gia hạn” thêm vài lệnh cùm như nói ở trên, chuyện thăm nuôi chắc phải chờ lâu lắm.

Giả dụ, ông được bình an vô sự, rút chân khỏi cái cùm sắt sau bảy ngày, thêm hai tháng “ngoan” đi chăng nữa, vợ con ông ở nhà cũng phải gồng hết sức, may ra mới có khả năng đi thăm nuôi ông ngay được. Nghe nói, bà Hợp đã đặt vé máy bay từ mấy tháng trước để thăm ông vào cuối Tháng Bảy, nhưng giờ phải hủy. Đặt trước, giá vé sẽ rẻ hơn. Chứ như hồi Tháng Ba, bà phải mua vé “nóng” đắt gấp mấy lần, để kịp thăm chồng vừa hết hạn kỷ luật. Tiền vé máy bay hai chiều, tiền xe đò, tiền quà cáp, tiền gửi lưu ký hết gần 10 triệu bạc.

Mất tiền mất của, lại sống trong lo âu, sợ hãi. Thùng quà tiếp tế gửi qua đường bưu điện hôm bữa, vừa mới đi lấy về. Theo luật của nhà tù cộng sản, đã cùm chân, biệt giam kỷ luật thì cắt thăm nuôi, không được nhận quà, không được mua đồ căn-tin, không đánh răng rửa mặt hay tắm gội gì hết. Bữa cơm tù ngày thường đã khốn khổ, bữa cơm của “tù trong nhà tù” (biệt giam), còn khốn nạn hơn. Gặp tay cai tù nào bớt ác một chút, thì mỗi bữa còn được lưng cơm trắng với chút muối để riêng bên ngoài. Gặp phải tay máu lạnh, thì cơm chan nước muối, khỏi ăn luôn.

Cứ cái đà này, không biết bao giờ ông Dũng mới được gặp gia đình. Mà có may mắn được gặp, thì câu chuyện cùm chân hôm nay, chưa chắc đã được kể cho trọn vẹn. Bao nhiêu tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị bị cai tù bịt miệng, lôi xềnh xệch trở lại trại, thậm chí bị “cùm nóng” chỉ vì nói với thân nhân những gì đã xảy ra với mình trong cuộc thăm gặp.

Bài viết này, biết đâu sẽ là lý do để nhà cầm quyền địa phương, các thể loại công an dùng để sách nhiễu, đe dọa, khủng bố bà Nghiêm Thị Hợp. Chính sách khủng bố, sách nhiễu cả tù nhân lương tâm lẫn người thân, khắp từ Bắc chí Nam, đúng như giới bất đồng chính kiến nhận định, nay đã trở thành “khuynh hướng mới nhằm trấn áp từ bên ngoài, tạo áp lực không để tồn tại chuyện các gia đình lên tiếng, và cũng là một sức ép với những người đang chịu cảnh tù đày ở bên trong
”.
Tự do, dù đắt, nhưng sao nhiều người Việt vẫn sẵn sàng trả giá.