Nụ cưới sắp tắt.
Số kiếp của ‘con tàu đắm’ Vinashin vẫn chưa hết thời mạt vận của nó. Lại thêm vài quan chức lãnh đạo của Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam đi thẳng từ ‘nhà tù lớn’ vào ‘nhà tù nhỏ’.
Trương Văn Tuyến – cựu Tổng giám đốc Vinashin, và Phạm Thanh Sơn – Phó tổng giám đốc SBIC (tập đoàn được đổi tên từ Vinashin), đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, các lệnh khám xét, lệnh bắt bị can để tạm giam vào ngày 10/12/2018 để điều tra hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt hơn 105 tỉ đồng tiền ngoài lãi suất từ Oceanbank (đồng phạm với Trần Đức Chính, Kế toán trưởng Tập đoàn Vinashin).
Một lần nữa, vụ án Ngân hàng Oceanbank và Hà Văn Thắm được khơi lại, nhưng đã chuyển sang giai đoạn 2.
Có thể xem vụ bắt Trương Văn Tuyến và Phạm Thanh Sơn là đợt bắt bớ thứ ba dành cho giới quan chức lãnh đạo ‘con tàu đắm’.
“Mọi nẻo đường đều dẫn đến Nguyễn Tấn Dũng”
Vào tháng Giêng năm 2018, chỉ vài ngày sau khi kết thúc phiên tòa “Thăng – Thanh” và vào lúc một phiên tòa khác xử Trịnh Xuân Thanh tội “tham ô” gần chấm dứt, chiếc xe thùng cảnh sát của Tổng bí thư Trọng lại tiếp tục đỗ xịch trước cửa nhà Nguyễn Ngọc Sự – cựu Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vinashin.
Vào thời điểm đó, vụ khởi tố và tống giam đối với cựu quan chức Nguyễn Ngọc Sự đã đặt ra một dấu hỏi lớn về nước đi mới của Nguyễn Phú Trọng trên bàn cờ ‘đốt lò’: vì sao vụ án Vinashin đã trôi qua đến 7 năm với vụ xử “Phạm Thanh Bình và đồng bọn”, nhưng đến lúc đó được “xới lại”? Việc bắt Nguyễn Ngọc Sự chỉ đơn thuần là phạm trù cá nhân đối với ông Sự hay còn mang ẩn ý muốn nhắm đến một “cái ô” nào đã che chắn cho ông Sự?
Thêm vào đó, mặc dù vụ án “Phạm Thanh Bình và đồng bọn” đã trôi qua từ lâu và ông Bình đã phải nhận một mức án vài chục năm tù giam, nhưng vào tháng Tám năm 2017, việc Viện Kiểm sát Phú Yên bất ngờ phê chuẩn lệnh khởi tố bị can đối với ông Phạm Thanh Bình đã phát ra tín hiệu về vụ Vinashin chưa kết thúc mà vẫn còn cái hậu của nó.
Tháng Tám năm 2017 cũng là thời điểm mà ông Trọng – khi đó mới chỉ là tổng bí thư chứ chưa giành được chức chủ tịch nước – đã phát ra một quyết tâm để đời: ‘Lò đã nóng thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy!’.
Cái hậu nào? Và củi nào?
Một chi tiết đáng mổ xẻ là khi đưa tin về vụ bắt Nguyễn Ngọc Sự, bản tin của báo Bảo Vệ Pháp Luật có đoạn “Trước đó, ngày 9/10/2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1868/QĐ-TTg, điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Ngọc Sự, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Tại PVN, ông Sự là Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tài chính của cả tập đoàn. Tháng 8/2017, ông Sự đã nhận quyết định nghỉ hưu, thôi vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy”.
Bảo Vệ Pháp Luật là tờ báo phát ngôn của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao – một cơ quan tư pháp mà trước đó được phụ trách bởi Trần Quốc Vượng – quan chức được xem là ‘đệ ruột’ của Tổng bí thư Trọng, và từ đó tới nay cơ quan này vẫn phát huy truyền thống ‘thân đảng’ chứ không phải ‘thân chính phủ’.
Cách đưa tin và có vẻ nhấn mạnh về “Thủ tướng Chính phủ” của báo Bảo Vệ Pháp Luật là khá đặc biệt, bởi thông thường báo chí Việt Nam khi đưa tin về quá trình của các nhân vật này kia thì chỉ viết ‘ông/bà được bổ nhiệm/trở thành…” mà không cần nêu rõ là ai bổ nhiệm.
Ở Việt Nam, nhiều người cũng biết rằng “Thủ tướng Chính phủ” vào năm 2012 là Nguyễn Tấn Dũng.
Đến khi đó và một lần nữa, “mọi nẻo đường đều dẫn đến Nguyễn Tấn Dũng”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại là quan chức cao cấp bị xem là phải chịu trách nhiệm về “quả đấm thép” mà sau đó đã trở thành “con tàu đắm” Vinashin.
Nguyễn Tấn Dũng đã ‘cứu’ Vinashin như thế nào?
Vào thời Nguyễn Tấn Dũng, số nợ của Vinashin đã lên tới khoảng 86 ngàn tỷ đồng, tức khoảng 4 tỷ đôla, chiếm đến 2,5% GDP vào thời gian đó. Chẳng có cách gì trả nợ nổi, Vinashin đã trở thành một vụ án mang tầm cỡ quốc gia với thật nhiều quan chức tham nhũng và vô trách nhiệm. Nhưng phán quyết của tòa án đã chỉ dừng ở chính giới lãnh đạo Vinashin mà không có bất kỳ quan chức chính phủ nào phải trả giá.
Vào năm 2005, Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo chính phủ Việt Nam tìm cách phát hành trái phiếu quốc tế tại thị trường chứng khoán New York để vay 750 triệu đôla, với kỳ hạn 10 năm và lãi suất 7,125%/năm. Số trái phiếu này đến hạn trả nợ gốc và lãi vào năm 2016. Sau đó chính phủ đã cho Vinashin vay lại toàn bộ số trái phiếu nói trên. Nhưng khoản vay này không hiểu do nguồn cơn nào mà đã tiêu tán hết, để cuối cùng Vinashin hầu như không có khả năng trả nợ cho chính phủ. Tuy thế, hồ sơ vụ này gần như bị đóng lại. Báo chí chỉ dám hé môi rồi sau đó im bặt.
Vào năm 2010, Nguyễn Tấn Dũng lại chỉ đạo chính phủ Việt Nam phát hành 1 tỷ đôla trái phiếu kỳ hạn 10 năm tại Sở Giao Dịch Chứng Khoán Singapore với lãi suất 6,75%/năm. Số tiền này sau đó được chính phủ cho một số tập đoàn kinh tế lớn vay lại. Tuy thế, cũng không thấy tăm hơi nào từ số tiền “tái cơ cấu Vinashin”. Doanh nghiệp được mệnh danh là “con tàu đắm” này cứ lần lượt nuốt chửng các khoản tiền khổng lồ.
Đến năm 2014, lần thứ ba chính phủ Việt Nam phải tìm cách phát hành 1 tỷ USD trái phiếu. Tuy nhiên lần này có vẻ không còn “thành công” như hai lần trước đó. Đây cũng là thời gian mà những xung đột chính trị trong chính trường Việt Nam trở nên quyết liệt hơn hẳn trên cung đường “lập thành tích chào mừng đại hội 12 của đảng”.
Cuối năm 2015, chính phủ thêm một lần nữa cố gắng tạo ra kế hoạch “phát hành 3 tỷ USD trái phiếu đặc biệt ra quốc tế”. Nhưng đến giữa năm 2016 thì kế hoạch này đã hoàn toàn tan vỡ.
Từ ‘quả đấm thép’ đến ‘kẻ đổ vỏ vĩ đại’
Đến cuối quý 1 năm 2017, phía chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc cùng Bộ Tài Chính lại một lần nữa “tố”: dự phòng ngân sách nhà nước phải ứng trả thay cho Vinashin trong 10 năm tới lên tới 63,2 nghìn tỷ đồng, trong khi ‘con tàu đắm’ này tiếp tục cơn ác mộng lâu năm của nó khi tiếp tục lỗ đến 5.000 tỉ -7.000 tỉ đồng mỗi năm.
Sang năm 2018, Vinashin tiếp tục kéo chìm nền ngân sách đã cạn kiệt của chế độ cầm quyền khi lỗ gần 3.000 tỷ đồng.
Nhưng tình trạng hiểm nghèo ấn tượng hơn cả là tổng công ty này vẫn đang nợ tới 81,7 tỉ đồng tiền lương và 316 tỉ đồng tiền bảo hiểm xã hội.
Sau một con giáp, món nợ khổng lồ của Vinashin vẫn còn gần như nguyên vẹn, và trách nhiệm phải xử lý không ai khác là “tân chính phủ” của người vẫn còn bị một số dư luận xem là “tân thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc”.
Lấy đâu ra số tiền 63 ngàn tỷ đồng để trả nợ cho Vinashin trong 10 năm tới? Hay lại xuất ngân sách để ‘đổ vỏ’?
Tình thế hiện thời là vô cùng bế tắc đối với ‘quả đấm thép’ (từ ngữ mà thủ tướng trước đây là Nguyễn Tấn Dũng đã dùng để vinh danh Vinashin). Còn ‘kẻ đổ vỏ vĩ đại’ – một biệt danh mà dân gian đặt cho thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Xuân Phúc – hẳn đang không kém bế tắc khi không biết làm cách nào để kiếm tiền trả nợ cho hậu quả để lại bởi thủ tướng Dũng.
Vinashin, Nguyễn Tấn Dũng và con tàu chế độ
Tình cảnh vẫn như cũ, vẫn hoàn cám cảnh. Vẫn không một khoản nợ đáng kể nào của Vinashin được xử lý. Tất cả vẫn nguyên trạng bế tắc.
Hẳn đó là nguồn cơn vừa sâu xa vừa trực tiếp mà đã khiến Nguyễn Phú Trọng không thể bỏ qua một chứng cứ rõ như ban ngày và mang tính lịch sử như Vinashin, để vào lúc này và khi cơ hội mở ra chưa từng có vào thời ‘hậu Trần Đại Quang’ nhằm mở rộng vụ Oceanbank hay bất kỳ một vụ án nào khác có liên đới trách nhiệm của thủ tướng tiền nhiệm, nhưng không phải với hy vọng quá lớn về sẽ làm cho ‘con tàu đắm’ khỏi chìm, mà muốn kiến tạo hình ảnh một con tàu sắp đắm khác – ‘con tàu’ mà vì nó ông Trọng đã phải nuốt lệ căm hận tại Hội nghị trung ương 6 vào cuối năm 2012.
Sau vụ trùm mafia tài phiệt và lưu manh Trần Bắc Hà – kẻ được xem là tay hòm chìa khóa của gia đình Nguyễn Tấn Dũng – bị bắt vào cuối tháng 11 năm 2018, cú đánh bồi vào giới cựu lãnh đạo Vinashin lại tiếp thêm một mồi lửa vào cái lò đang dần nóng lên của ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng.
Nhưng bất chấp cố gắng truy xét quá khứ lẫn truy thu tài sản tham nhũng của những người phe đảng cùng cái gật đầu của một thủ tướng mà đã quá mệt mỏi với cảnh ‘đổ vỏ’, tương lai của nền ngân sách độc đảng và của cả chế độ đính kèm sẽ là một hình ảnh khá tương đồng với “con tàu đắm” Vinashin hiện hồn cách đây hơn một con giáp.