Vì đâu mà điện lực lỗ hoài

Nguyễn Công Bằng

EVN chỉ có lỗ và lỗ và chỉ biết tăng giá điện để trấn lột người dân.
 
Tập đoàn “nước Lỗ”

Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có thông báo tăng giá bán lẻ điện sinh hoạt. Điều đáng nói ở đây là EVN là đơn vị độc quyền cung cấp điện ở Việt Nam, và mặc dù giá điện luôn tăng, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân, nhưng EVN dường như năm nào cũng lỗ. Năm 2023, EVN đã công bố mức lỗ là hơn 1,8 tỉ USD. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, cho đến ngày 30/6/2024, lỗ lũy kế của EVN ở mức 52.016 tỷ đồng.

Trong suốt thời gian hoạt động, hầu như EVN chỉ có lỗ và lỗ, và để bù lại khoản lỗ này, EVN chỉ có cách là  móc túi người dân bằng cách tăng giá điện. Người dân thì không có chọn lựa khác, bởi đây là thế độc quyền của EVN.

Vì đâu nên nỗi?

Giải thích về nguyên nhân vì sao EVN bị lỗ, hầu hết báo chí trong nước đều trích dẫn lại giải thích từ chính các quan chức EVN, trong đó chỉ có nguyên nhân khách quan, mà không thấy nguyên nhân chủ quan ở đâu? Ngay cả tờ báo Năng lượng Việt Nam - được coi là cơ quan phản biện gồm những chuyên gia có trình độ chuyên môn, cũng không có phân tích gì khác. Chỉ có lác đác vài ý kiến bị coi là trái chiều. Năm 2023, Báo Thanh niên đã từng đặt vấn đề: “Tập đoàn Điện lực VN (EVN) báo lỗ hơn 26.000 tỉ đồng cho cả năm 2022 và tiếp tục lỗ trong quý 1/2023 nên đang chờ được phê duyệt tăng giá điện. Điều lạ lùng là trong năm vừa qua, hầu hết các công ty điện trên cả nước, thậm chí cả những công ty con của EVN, đều báo lãi lớn.” Nhưng rồi cũng không có câu trả lời thoả đáng. Và rồi, đến hẹn lại lên với điệp khúc EVN lỗ và thông báo tăng giá điện.

Câu chuyện về mua than cho nhiệt điện

Theo điều tra riêng của chúng tôi, bên cạnh những nguyên nhân khách quan mà EVN đưa ra để lý giải cho việc làm ăn thua lỗ của mình, còn có những nguyên nhân chủ quan do chính cơ chế quản lý của EVN, hay nói trắng ra là có những “lợi ích nhóm” ở đây. Đơn cử một vấn đề đấu thầu mua than cho các nhà máy nhiệt điện cũng đã bộc lộ nhiều dấu hiệu không ổn của Tập đoàn “nước Lỗ” này.

EVN đã tổ chức đấu thầu mua than nhập khẩu phân tán giá trị rất lớn, được phân chia thành nhiều gói thầu nhỏ lẻ để giao cho các đơn vị thành viên EVN thực hiện mua nhỏ lẻ, ngắn hạn hành vi có dấu hiệu lợi ích nhóm gây thất thoát tài sản Nhà nước giá trị lớn, cụ thể:

- Tập đoàn Điện lực Việt Nam có 3 tổ hợp nhà máy nhiệt điện sử dụng than nhập khẩu gồm: Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4&4MR, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình, Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1&3 với khối lượng than nhập khẩu hàng năm cực kỳ lớn.

- Ngày 21/5/2020, Hội đồng thành viên EVN ban hành Nghị quyết số 253/NQ-HĐTV về điều chỉnh kế hoạch mua than 06 tháng cuối năm 2020 cho vận hành Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4. Ngay sau đó Hội đồng thành viên EVN tiếp tục ban hành Quyết định số 105/QĐ-HĐTV ngày 25/5/2020 về việc phê duyệt hiệu chỉnh (lần 1) kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp than nhập khẩu 2020-2022 của Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Vĩnh Tân 4 để hiệu chỉnh các gói thầu cung cấp than nhập khẩu trung hạn (4.167.557.680.000 đồng) thành 04 gói thầu mua than nhập khẩu ngắn hạn (mỗi gói 1.041.889.420.000 đồng) cho vận hành 06 tháng cuối năm 2020. Việc tiếp tục chia nhỏ mỗi gói thầu cung cấp than trung hạn thành các gói thầu ngắn hạn nhỏ lẻ để Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN ủy quyền cho Tổng giám đốc EVN phê duyệt các bước trong quá trình lựa chọn nhà thầu và cho phép Tổng giám đốc EVN được ủy quyền lại cho Giám đốc NMNĐ Vĩnh Tân 4 thực hiện.

- Ngày 26/7/2021, Hội đồng thành viên EVN tiếp tục ban hành Quyết định số 83/QĐ-HĐTV về việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu mua than nhập khẩu cho NMNĐ Vĩnh Tân 4 giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022 chia thành 02 gói (mỗi gói 1.564.590.271.200 đồng) vv…

- Ngày 22/9/2023, Tổng giám đốc EVN ban hành Quyết định số 984/QĐ-EVN về việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp than nhập khẩu cho NMNĐ Vĩnh Tân 4 năm 2024 chia làm 05 gói thầu tổng trị giá 20.123.419.465.932 đồng.

Ngoài ra, EVN còn giao cho NMNĐ Vĩnh Tân 4 thực hiện các gói thầu cung cấp dịch vụ giám định khối lượng và chất lượng than nhập khẩu hàng năm lên đến vài tỷ đồng.

Việc Hội đồng thành viên EVN chia nhỏ các gói thầu trung hạn thành nhiều gói thầu ngắn hạn là để Tổng giám đốc EVN ủy quyền lại cho các đơn vị thành viên thực hiện trên cơ sở kết quả lựa chọn danh sách ngắn các nhà cung cấp than nhập khẩu do EVN chọn theo hình thức đấu thầu rộng rãi, quốc tế, sơ tuyển không qua mạng.

Điều đáng nói là tất các gói thầu đều cài vào “điều kiện cấp hàng là CIF giao hàng tại cảng nhận hàng - Vĩnh Tân” không phù hợp với thông lệ quốc tế đã gây ra một số khó khăn, vướng mắc cho nhà cung cấp lớn như: Các chủ mỏ và nhà cung cấp lớn không tham gia đấu thầu khi điều kiện cấp hàng là CIF cảng nhận hàng, nhất là khi chuỗi cung ứng than phức tạp, vì vậy các nhà cung cấp trong danh sách ngắn tham gia chỉ có các công ty thương mại nhỏ lẻ tham gia đấu thầu trực tiếp; chất lượng giao hàng không đồng nhất trong toàn bộ gói thầu, nguồn cung không cụ thể, không ổn định do các đơn vị trúng thầu phải đi mua "gom" than trôi nổi trên thị trường của Indonesia, chủ yếu là các đơn vị cung cấp dịch vụ logistics trong nước nên không có chuyên môn về than…đã xảy ra các rủi ro pháp lý phải kiện ra Tòa án trọng tài quốc tế kéo dài nhiều năm rất phứt tạp, phát sinh nhiều chi phí tại 02 vụ tranh chấp số 66/21 và 92/21, 02 chuyến tàu MV. Sentinel và MV. Orient Iris.

Điều kiện thanh toán trong các Hồ sơ mời thầu của EVN không phù hợp với thông lệ quốc tế, có nhiều rủi ro cho bên bán, làm cho các Tập đoàn kinh doanh than quốc tế lớn không tham gia.

Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc thời gian qua nguồn cung cấp than không ổn định, chất lượng than không đảm bảo, giá cả tăng bất thường mất kiểm soát, dễ đứt gãy nguồn cung khi có ảnh hưởng địa chính trị, dẫn đến những bất cập bởi việc chia nhỏ các gói thầu để ủy quyền cho các đơn vị thành viên đấu thầu mua lẻ và ngắn hạn là hành vi có dấu hiệu tiêu cực, lợi ích nhóm, gây thất thoát chi phí mua than nhập khẩu cực kỳ lớn (mỗi năm các đơn vị thành viên EVN nhập khẩu than khoảng vài chục ngàn tỷ) làm tăng chi phí sản xuất điện rất lớn gây thua lỗ liên tiếp cho EVN, thay vì EVN trực tiếp tổ chức đấu thầu tập trung một đầu mối ở Tập đoàn cho cả 03 cụm Nhà máy nhiệt điện theo phương thức mua các "lô hàng lớn" và "dài hạn". Có như vậy, mới nhập khẩu được than có chất lượng ổn định, với giá (FOB) thấp của các công ty thương mại lớn có kinh nghiệm và chuyên về cung cấp than.

Việc đứt gãy nguồn cung, giá than quá cao đã khiến các nhà máy phải nhiều lần dừng hoạt động luân phiên các tổ máy, mỗi lần kéo dài 3 đến 6 tháng ảnh hưởng nghiêm trọng đến cấp điện cho hệ thống và an ninh năng lượng, các nhà máy liên tục xảy ra sự cố chi phí sửa chữa, thay thế vật tư thiết bị và bảo dưỡng lên hàng nghìn tỷ/năm, thua lỗ liên tục lên hàng nghìn tỷ đồng/năm.

Ngoài ra, Giám đốc Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đã tổ chức đấu thầu mua sắm lượng dầu DO hàng năm rất lớn (như năm 2021 khoảng 139 tỷ đồng/năm và năm 2022 khoảng 112 tỷ đồng/năm) để khởi động và hỗ trợ đốt than có chất lượng không đảm bảo.

Lại là vấn đề thể chế

Một tờ báo hiếm hoi ở trong nước năm ngoái đã mổ xẻ vấn đề: “Nhận xét về con số 26.000 tỷ đồng thua lỗ trong năm 2022 của EVN, một chuyên gia kinh tế cho rằng đây vẫn là “điệp khúc cũ” về thua lỗ của ngành điện. Điểm khác duy nhất ở đây là 5-6 năm trở về trước, EVN liên tục (kêu) lỗ do đầu tư ngoài ngành dẫn đến rủi ro mất vốn, giờ đây dù đã thoái vốn ra khỏi các lĩnh vực ngoài ngành, tập trung vào kinh doanh lĩnh vực điện, EVN vẫn lỗ… Nhưng vấn đề thua lỗ của EVN “bất thường” ở chỗ, là cùng khâu phát điện nhưng các doanh nghiệp (DN) không thuộc EVN lại có kết quả kinh doanh rất khác. Căn cứ vào thông tin công bố của các DN sản xuất điện niêm yết trên thị trường chứng khoán, có thể thấy hầu như không DN nào thua lỗ, dù đó là công ty nhiệt điện than và khí - những nhiên liệu có giá tăng rất mạnh.”

Nhà báo Hà Phan cũng đưa ra ý kiến “Trong khi EVN đưa ra vô vàn lý do khách quan biện minh cho những thất bát của mình thì không ít những ý kiến trái chiều cho rằng họ phải xem lại năng lực quản lý điều hành.”
Tiến sĩ Thái Doãn Hoàng Cầu - tác giả của cuốn sách “Thị trường điện: các vấn đề cơ bản và chuyên đề kinh tế, thương mại, quản lý” có đưa ra ý kiến cần phải cải cách thị trường điện: “Chúng ta vẫn chưa có thị trường bán buôn điện đúng nghĩa, vẫn chỉ là thị trường cạnh tranh về phát điện, vì các đơn vị mua buôn điện để cung cấp dịch vụ bán lẻ điện vẫn thuộc về Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), còn chủ yếu độc quyền trong mua buôn và bán lẻ điện.”

Nhà báo Hoàng Tư Giang của vietnamnet.vn mới đây có bài báo rất thú vị khi liên kết khám phá của các tác giả giải Nobel về kinh tế năm nay với vấn đề thể chế của Việt Nam. “Những ngày này, nhiều người hay nhắc đến cuốn sách “Vì sao các quốc gia thất bại” của Daron Acemoglu và James Robinson, hai trong ba nhà kinh tế học vừa được trao giải Nobel kinh tế 2024. Hai nhà kinh tế đưa ra khái niệm “thể chế dung nạp” và “thể chế loại trừ” (hay “chiếm đoạt”) để lập luận rằng, một số quốc gia giàu có và thịnh vượng hơn những quốc gia khác do các thể chế chính trị và kinh tế của họ chứ không phải do địa lý hoặc văn hóa của quốc gia đó.”

Câu chuyện này hoàn toàn đúng trong vấn đề EVN tăng giá điện và sự thua lỗ của họ. Nguyên nhân quan trọng nhất là thể chế quản lý kinh tế của EVN đang bộc lộ những bất cập, đòi hỏi phải có sự thay đổi. Điều này đã được đặt ra từ rất lâu, nhưng vẫn chưa có lời đáp.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm từ khi nhậm chức đã luôn nhắc tới việc “khắc phục các hạn chế của thể chế…” rồi “hoàn thiện thể chế”. Có lẽ vấn đề cải cách thị trường điện và cơ chế quản trị công đối với EVN là vấn đề cần thiết hiện nay. Chỉ khi ông Tô Lâm chỉ đạo sát sao vấn đề này, người dân mới có thể tin vào các phát biểu hoa mỹ của ông ta được. Còn không, chỉ là những lời tuyên bố sáo rỗng mà thôi./.
---------

https://thitruongtaichinhtiente.vn/cong-bo-ket-qua-kiem-tra-gia-thanh-sa...ũy kế 6 tháng đầu,lỗ đến 29.107 tỷ đồng.