Nguyễn Công Bằng
Chiều ngày 21/10, lúc 4h30 TV Việt Nam đã chiếu lên kết quả bầu Chủ tịch nước. Theo đó, ông Lương Cường đã được 100% phiếu bầu trong số 440 Đại biểu Quốc hội có mặt, và chính thức trở thành Chủ tịch nước Việt Nam.
Ông Lương Cường cũng đặt tay lên và thực hiện nghi thức tuyên thệ. Nhiều người dân ngao ngán vì gần đây đã quá nhiều người tuyên thệ khi giữ chức vụ này, nhưng rồi lại nhanh chóng rời đi.
Mặc dù tới ngày 21/10 Quốc hội mới bầu cho ông Lương Cường nhưng dư luận đã đoán trước ông Cường sẽ nắm chức vụ này từ cả tháng trước đó.
Ông Lương Cường vào Bộ Chính trị từ năm 2021, được phong Đại tướng từ 2019, là con bài dự trữ của ông Trọng. Tuy vào Bộ Chính trị và được phong hàm đại tướng trước, nhưng lại không giành được chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng so với ông Phan Văn Giang, mặc dù ông Giang mới là Thượng tướng, do giới quân đội không phục một ông vốn là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, chứ không phải dân chiến đấu, lên làm Bộ trưởng Quốc phòng.
Hồi tháng 5 năm nay, sau khi một loạt đàn em của ông Trọng ngã ngựa, do bị ông Tô Lâm cho lên thớt, ông Trọng đã đưa ông Lương Cường lên giữ chức Thường trực Ban bí thư, khi bà Trương Thị Mai đã phải ra đi tức tưởi.
Rồi đột nhiên ông Trọng đã gục ngã và qua đời, và thế là ông Tô Lâm đã giành được chức vụ Tổng bí thư, dù ông ta mới giành được chức Chủ tịch nước không lâu trước đó.
Ngày 26/8, ông Bùi Văn Cường - Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết “theo nghị quyết của Trung ương, tại Kỳ họp thứ tám của Quốc hội diễn ra vào tháng 10 tới, sẽ bầu chức danh Chủ tịch nước.”
Dư luận hiểu ngay là ông Tô Lâm, tưởng chừng như quyền lực rất mạnh, nhưng đã phải chấp nhận nhường bớt quyền lực cho phe quân đội, vốn cũng là phe phái mạnh bậc nhất trong chính trường Việt Nam do nắm sức mạnh bạo lực trong tay, và cái tên Lương Cường đã được đưa ra như là ứng viên sáng giá nhất cho chức vụ Chủ tịch nước.
Trong đám tang ông Trọng, mặc dù ông Tô Lâm là Trưởng ban lễ tang nhưng ông Lương Cường lại là Trưởng ban tổ chức lễ tang, như một sự đối trọng và chia sẻ quyền lực với ông Tô Lâm.
Thế rồi, ngày 11/10, ông Lương Cường lại có chuyến đi lặng lẽ sang thăm Trung Quốc. Tại đây, ông Cường đã gặp Tập Cận Bình, một động thái thường thấy trước khi một người sắp trở thành một trong Tứ Trụ, vì thế, người ta càng hiểu rõ khả năng ông Lương Cường trở thành Chủ tịch nước gần như là một điều chắc chắn.
Ông Lương Cường lên Chủ tịch nước thì lại dẫn đến những đồn đoán tiếp về việc ai sẽ thay ông Cường giữ chức Thường trực Ban bí thư - vốn được coi là Phó Tổng bí thư?
Có 4 gương mặt trong Bộ Chính trị là ứng viên sáng giá cho vị trí này, bao gồm: Trần Cẩm Tú - Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra trung ương; Phan Đình Trạc - Trưởng ban nội chính trung ương; Phan Văn Giang - Bộ trưởng Quốc phòng; Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương. Về lý thuyết, cả 4 ông này đều vào uỷ viên Bộ chính trị từ năm 2021, tuy nhiên, việc ai giữ chức vụ quyền lực này cũng phải dựa vào tương quan lực lượng chứ không chỉ đơn thuần là đủ tiêu chuẩn là lên được. Người quyền lực nhất trong số này có lẽ là Phan Văn Giang, vì ông ta đang là Phó Bí thư Quân uỷ trung ương, nắm Bộ Quốc phòng, trong đó có cả Tổng cục II - Cơ quan tình báo mạnh nhất của Việt Nam hiện nay, vốn là thanh kiếm sắc để phục vụ cho các lãnh đạo chém giết nhau. Tuy nhiên, người ta có vẻ khó hiểu trước sự bàng quan của ông Giang trước các cuộc đua tranh giành các vị trí quyền lực. Có lẽ, ông Giang bị suy thận nặng nên đã âm thầm rút khỏi cuộc tranh giành là lý do hợp lý nhất để giải thích cho thái độ của ông Giang lúc này.
Khi ông Giang không phải là ứng viên sáng giá, thì có lẽ Trần Cẩm Tú là ứng viên sáng giá nhất cho vị trí Thường trực Ban bí thư, do phe Nghệ An - Hà Tĩnh cũng là phe mạnh, nắm nhiều vị trí quan trọng. Mặc dù Vương Đình Huệ - thủ lãnh của phe Nghệ An - Hà Tĩnh đã bị trảm, nhưng phe này cũng cần được xoa dịu, và vì thế, Tú sẽ là ứng viên sáng giá nhất cho chức vụ này. Phan Đình Trạc vốn có thâm thù với Tô Lâm, vì thế ông ta không dễ đồng ý cho Trạc giữ Phó tổng bí thư, còn Nguyễn Xuân Thắng, cũng thuộc phe Nghệ an - Hà Tĩnh, nhưng không có quân, vốn chỉ là lý luận suông, nên có khi cũng chưa thể mon men được chức vụ này. Nếu Trần Cẩm Tú lên Thường trực Ban bí thư thì ai sẽ thay Tú nắm Ban Kiểm tra trung ương, vốn là thanh kiếm đảng mà ông Trọng đã học từ Tập để dùng chém giết các quan chức tham nhũng mà không thuộc ê kịp của Trọng. Đây cũng là điều phải bàn đến.
Trước đó một ngày, Lương Tam Quang và Nguyễn Tân Cương cùng được phong hàm Đại tướng. Lương Tam Quang - đệ ruột của Tô Lâm, được Tô Lâm đưa lên làm Bộ trưởng Công an trong một đòn hy hữu, rồi sau đó cũng được Tô Lâm đưa vào Bộ Chính trị, nay thăng hàm Đại tướng cũng là điều dễ hiểu, nhưng còn Nguyễn Tân Cương thì sao? Cương hiện nay vẫn chưa vào Bộ Chính trị, đang là Tổng tham mưu trưởng quân đội, một vị trí mà Phan Văn Giang đã giữ trước khi lên Bộ trưởng Quốc phòng. Vì thế, người ta có thể nghĩ tới khả năng Nguyễn Tân Cương sẽ sớm thay Phan Văn Giang nắm Bộ Quốc phòng và sẽ vào Bộ Chính trị. Điều này có lẽ cũng có nhiều cơ sở khi hầu hết Bộ trưởng Quốc phòng đều xuất thân từ Tổng tham mưu trưởng quân đội. Tuy nhiên, việc Trịnh Văn Quyết - người thay thế Lương Cường giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục chính trị, cũng có thể là người cạnh tranh với Nguyễn Tân Cương, khi trước đó Ngô Xuân Lịch cũng xuất thân từ Chủ nhiệm Tổng cục chính trị, nhưng được Trọng đưa lên làm Bộ trưởng Quốc phòng, rồi bị tướng Lê Mã Lương chê là “không biết đọc bản đồ chiến đấu”.
Như thế, bàn cờ chính trị Việt Nam đang dần lộ diện. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật cho quý vị độc giả về những diễn viên mới trong sân khấu chính trị Việt Nam trong những số báo tới.