VIẾT CHO ANH, CHIẾN HỮU VŨ MINH NGỌC.

Ảnh: Phạm Minh Hoàng trái. Vũ Minh Ngọc phải

– Mọi người đến đi, Anh ấy yếu lắm rồi.

Đây là lời nhắn ngắn ngủi của gia đình chiến hữu Vũ Minh Ngọc.

Ngày 23/11/2018, anh em chúng tôi năm người đến thăm anh. Nơi anh ở là một khu yên tĩnh ngoại thành Montréal. Đón chúng tôi là chị Ngọc.

– Để tôi vào gọi. Anh ấy chắc đang ngủ.

Thường trong lúc chờ đợi chủ nhà, anh em chúng tôi đứa đi vòng vòng quan sát phòng khách, đứa bâng quơ ngắm mấy bức tranh hay mở mấy tờ báo trên bàn. Nhưng lần này, 5 anh em chúng tôi đứng nghiêm như chờ đợi một nhân vật quan trọng.

Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là một người ốm yếu. Anh Ngọc chậm rãi lê bước sau cái nạng khung. Anh đón phái đoàn với một nụ cười thật tươi. Tôi nghĩ có lẽ anh đã chuẩn bị tinh thần và dồn sức cho nụ cười tiếp đón này.

Ngồi xuống, sau giây phút giới thiệu thì anh bắt đầu vào câu chuyện. Anh nói suốt nửa tiếng đồng hồ bằng một giọng nói trầm trầm. Mọi người chúng tôi đều vô cùng ấn tượng về trí nhớ của anh. Chúng tôi ai nấy đều choáng váng và như bị thôi miên trước trí nhớ xuất thần của anh, hình như trong suốt thời gian hoạt động anh chưa hề quên tên một người nào. Anh nhắc lại thuở ban đầu khi vừa là cậu sinh viên Quốc Gia Hành chánh ra trường với chức vụ phó tỉnh trưởng tỉnh Bình Long. Và nếu tôi nhớ không lầm thì anh chính là phó tỉnh trưởng nhậm chức trẻ nhất. Rồi sau đó đến những ngày chiến nạn 1975 khi anh cáng đáng việc di tản và giúp đỡ đồng bào lánh nạn cộng sản; những ngày chạy tỵ nạn rồi bước chân vào Mặt Trận.

Một điều làm chúng tôi vô cùng ấn tượng là với những kiến thức từ trường Quốc Gia Hành chánh, anh đã hoàn tất một đề án về hệ thống hành chánh cho một nước Việt Nam trong tương lai. Và cũng với kinh nghiệm quản lý, anh đã cộng tác cho bộ phận tài chính của tổ chức và chỉ ngưng làm việc khi sức khỏe không còn cho phép.

 

– Tôi đã được thay hai quả thận, nhưng không xong. Anh lấy tay xoa bụng và phán – Coi như gan và thận đã ngưng hoạt động.
Anh em chúng tôi chẳng đứa nào học ngành y, nhưng khi nghe bệnh nhân chẩn đoán cho chính mình, khi nghe người thân kể về tình trạng anh và đặc biệt khi nhìn thấy nước da của anh, mọi người đều nghĩ đến tình huống xấu nhất không còn xa.
Bất giác tôi nhớ đến một đoản văn trong Khái Hưng hay Nhất Linh kể vể giây phút cuối cùng của một người cha, trong đó có đoạn những người trong gia đình cầm tay ông cụ như muốn níu kéo người thân ở lại cõi đời. Hình ảnh đó đang xảy ra trước mặt anh em chúng tôi. Mọi người như đang lắng nghe những lời cuối cùng của anh mà lòng nặng trĩu. Trong lúc này tôi có cảm tưởng anh lại là người lạc quan nhất, và chỉ mình anh còn có thể cười.

Tôi lặng nghe anh nói, muốn đặt một câu hỏi nhưng chưa bao giờ tôi thấy bế tắc như ngày hôm nay. Hỏi làm sao cho người nghe không cảm nhận đây là câu hỏi cho người sắp lìa cõi thế. Sau cùng tôi cũng tìm ra :
– Anh vừa nói đại đa số những người cộng tác với anh đều đã ngưng hoạt động, Thế thì động lực nào đã giúp anh đi đến ngày hôm nay ?

Anh Ngọc nhìn tôi bằng con mắt hiền từ và chậm rãi buông từng từ :
– Tôi không bao giờ phản bội với lý tưởng của mình.

Tôi không nhớ sau đấy chúng tôi đã yên lặng trong bao lâu. Mọi người có lẽ đang chìm lắng trong suy nghĩ riêng của mình. Cá nhân tôi, tôi cho đấy là một lời nhắn nhủ cho kẻ ở lại.

Trước khi ra về, tôi ngỏ ý xin tập hồi ký "Dòng Đời & Những ngày chiến nạn" của anh và xin anh viết cho vài dòng để làm kỷ niệm. Nét chữ của cậu sinh viên Quốc Gia Hành chánh và người phụ trách tài chính cho Cơ sở giờ đây run rẩy như chiếc là sắp lìa cành.

Phút chia tay, anh ôm lấy tôi và thì thầm :"Anh mong mãi để gặp được em". Tôi cũng muốn trả lời rằng em đến mang theo tình cảm của tất cả mọi người, nhưng không sao nói được. Tôi nghĩ anh chắc chắn cũng đã hiểu. Trong giây phút này, con người ta không cần phải giao tiếp bằng lời.

Và đó cũng là những hình ảnh sau cùng của chuyến viếng thăm mà ai cũng biết sẽ không có lần nữa. Ngoài trời Montreal tuyết phủ trắng xoá. Bỗng dưng tôi nhớ đến bài Tombe la Neige của Salvatore Adamo

Tombe la neige
Tu ne viendras pas ce soir
Tombe la neige
Et mon cœur s'habille de noir

Tuyết trắng trời nhưng tim tôi phủ đen một màu tang thương.

Cánh cửa đóng sập lại lần cuối cùng. Không một ai trong chúng tôi quay lưng nhìn lại phía sau. Hơn một tuần sau, anh nhắm mắt lìa đời.
Cách đây một năm, một đảng viên trung kiên, anh Âu Minh Dũng của cơ sở Nhật Bản đã ra đi. Giờ đến lượt Vũ Minh Ngọc.

Tôi còn nhớ lời căn dặn anh Ngọc về hậu sự của mình. Cũng như anh Dũng, anh muốn thân xác mình được ôm trọn bởi tình cảm và sự yêu thương của gia đình cũng như các chiến hữu đã bao năm chia ngọt xẻ bùi với anh.

Anh Dũng ơi ! Anh Ngọc ơi. Mọi người sẽ làm theo ý nguyện sau cùng của các anh là đưa các anh trở về và được ôm ấp dưới lòng đất Mẹ.

Và đó là ý nguyện của mọi người chúng tôi.

California, 3/12/2018

Fb Phạm Minh Hoàng