16/02/2019 (DĐVN21) - LTS: Vào tháng 5 tới đây, nước Đức sẽ kỷ niệm 70 năm ban hành bản Hiến Pháp mang tên" Luật cơ bản". Được thông qua năm 1949, "Luật cơ bản" ban đầu dự định chỉ mang tính cách tạm thời vì các nhà soạn thảo coi sự chia đôi giữa Tây và Đông không phải là vĩnh viễn. "Luật cơ bản" theo thời gian và qua các sửa đổi, cuối cùng đã trở thành bản hiến pháp cho toàn nước Đức sau ngày thống nhất Đông và Tây Đức, nó xác định các quyền cơ bản mà mọi công dân Đức đều có thể tiếp cận được. Điều hết sức quan trọng là ngay trong lời nói đầu, bản hiếp pháp này đã nhấn mạnh rằng „Phẩm giá con người là bất khả xâm phạm. Tôn trọng và bảo vệ nó là nhiệm vụ của tất cả các cơ quan nhà nước". Bài sau đây đưa ra một số nhận xét về bản hiến pháp này.
***
Con đường dân chủ hoá
Nước Đức có cả một đoạn đường dài tiến tới dân chủ . So với các quốc gia láng giềng, Đức đã thay đổi chính thể nhiều lần . Sau thề chiến thứ nhất (1914-1918), chính thể quân chủ lập hiến được thay thê bằng chính thể cộng hòa Weimar (1919-1933) mở đầu cho tiến trình dân chủ hóa nước Đức. Cộng hòa Weimar tồn tại được 14 năm bị độc tài quốc xã của Hitler (Nationalsozialismus), một biến thể của độc tài Phát xít tiếm quyền vào năm 1933. Quốc xã đưa Đức vào thế chiến thứ hai (1939-1945) và sau khi bị bại trận chế độ độc tài quốc xã (1933-1945) sụp đổ.
Từ năm 1945, Đức bị Tứ cường chiến thắng (Anh, Pháp Mỹ và Liên xô ) chiếm đóng và chia Đức thành 4 vùng . Ba vùng miền Nam, Bắc và Tây do Anh, Mỹ và Pháp quản lý . Vùng Đông do Liên xô cai trị. Năm 1948 ba đông minh phương Tây muốn Đức có một bản Hiến pháp để tổ chức lại cơ cấu nhà nước. Vào ngày 01/09/1948 tại Bonn, Hội đồng nghị viện (parlamentarischer Rat) thay vì Hội đồng lập hiến (verfassungsgebende Versammlung) được triệu tập và thông qua một văn kiện pháp lý không gọi là Hiến Pháp (Verfassung) mà là „Luật cơ bản“ (Grundgesetz - GG). 65 đại biểu của các Nghị viện tiểu bang tham dự Hội nghị này. Ngày 23. 05. 1949 Konrad Adenauer với tư cách chủ tịch Hội đồng Nghị viện công bố ban hành Luật căn bản. Ngày này cũng được nhìn nhận là ngày thành lập Cộng hòa Liên bang Đức (BRD)với thủ đô Bonn. Dựa trên văn kiện pháp lý, các cuộc bầu cử đầu tiên được xúc tiến. Bầu Nghi hội liên bang (Bundestag) gọi là Quốc hội hay Hạ Nghị Viện diễn ra vào ngaỳ 14/08/1949. Kế tiếp 07/09/1949 lập Hội đồng Liên bang (Bundesrat) hay Thượng Viện. Ngày 12/09/1949 bầu Nhà Báo Theodor Heuss, chủ tịch đảng Dân chủ Tự do FDP làm Tổng thống liên bang (Bundespräsident) và vào ngày 15/09/1949 bầu cựu thị trưởng thành phố Köln (Cologne) Konrad Adenauer, chủ tịch Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo CDỤ vào chức vụ Thủ tướng .
Tại Đông Đức vào ngày 07/10/1949 Ủy ban quân quản Liên xô dựng lên một chế độ độc tài xã hội chủ nghĩa với danh xưng Cộng hòa dân chủ Đức (DDR) do đảng thống nhất xã hội chủ nghiã Đức (SED)câm quyền. Sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ (9. 11. 1989) chế độ cộng sản Đông Đức cáo chung và nước Đức thống nhất vào ngày 03/10/1990. Nước Đức nhận lại chủ quyền toàn vẹn, kết thúc 45 năm bị Tứ cường chiếm đóng và nhân dân hai miền Đông-Tây cùng nhau chung sức phát triển một quốc gia dân chủ hiến trị .
Quá trình lập hiến
Sau cách mạng tháng 2 năm 1848 của Pháp, ở Đức cũng như nhiều nước Châu Âu khác, nhiều cuộc biểu tình, đấu tranh chống phong kiến đã diễn ra mạnh mẽ. Hiến pháp nhà thờ thánh Phao lô (Paulskirchenverfassung) hay còn được gọi là Hiến pháp Frankfurt của Phổ được thông qua bởi một Quốc hội lập hiến vào ngày 28/03/1849. Hiến pháp Frankfurt là bản hiến pháp dân chủ của toàn nước Đức, dự kiến một hệ thống chính trị theo chính thể quân chủ lập hiến, ghi nhận, bảo vệ quyền con người và chống lại sự lạm quyền của nhà nước. Các quyền cơ bản cuả công dân có thể kháng cáo trước toà án . Năm 1871 dưới thời Thủ tướng Bismark, Hiến pháp vương quốc Bismark (Bismarcksche Reichsverfassung) được ban hành. Hiến pháp này chỉ đề cập đến vấn đề tổ chức nhà nước và hoàn toàn không nêu ra những quyền cơ bản của công dân.
Thế chiến thứ nhất (1914-1918) chấm dứt, Đức bại trận chấp nhận Hoà ước Versailles. Một bản Hiến pháp mới được soạn thảo, thông qua ở thành phố Weimar, gọi là Hiến pháp cộng hoà Weimar (Weimarer Verfassung) có hiệu lực từ ngày 14/8/1919. Với Hiến pháp Weimar, Đức lần đầu tiên trở thành một quốc gia cộng hoà dân chủ đại nghị. Chính thể Weimar là chính thể hỗn hợp mang đặc tính của Tổng thống chế và Đại nghị chế. Về mặt tổ chức quốc gia, Hiến pháp Weimar phân định cấu trúc liên bang và các tiểu bang cũng như xác định tính chất pháp lý, nhiệm vụ của các thiết chế hiến định (Verfassungsorgane) Hạ viện, Thượng viện, Tòa án, Tổng thống và Chính phủ. Trong Hiến pháp này, các quyền căn bản được quy định rõ ràng như quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng, quyền tự do kinh doanh, bất khả xâm phạm nơi cư ngụ, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do biểu tình, quyền tự do bầu cử, quyền bình đẳng nam nữ, quyền sở hữu, quyền thừa kế .
Luật Cơ Bản cuả Liên bang cộng hoà Đức (Grundgesetz für die Bundesrepublik) được phê chuẩn tại Bonn và có hiệu lực từ ngày 23/05/1949 . Từ Luật cơ bản được dùng thay vì hiến pháp để chỉ tính tạm thời chỉ có giá trị cho Tây Đức, và một hiến pháp mới sẽ thay thế khi nước Đức thống nhất.
Dưạ trên những nội dung tiến bộ cùa Hiến pháp cộng hòa Weimar và Hiến pháp Frankfurt cũng như tiếp thu những kinh nghiêm trong quá trình lập hiến, Luật cơ bản được soạn thảo có hệ thống mẫu mưc phù hợp điều kiện cuả đất nước.
Nội dung Luật cơ bản hay Hiến pháp CHLB Đức
Luật cơ bản có 146 Điều, chia thành 11 Chương như sau:
Lời nói đầu
1. Các quyền cơ bản từ Điều 1 đến 19
2. Liên bang và Tiểu bang từ Điều 20 đến 37
3. Quốc hội –Hạ Viện từ Điều 38 đến 49
4. Thượng Viện từ Điều 50 đến 53
4a. Ủy ban hỗn hợp từ Điều 53a
5. Tổng thống từ Điều 54 đến 61
6. Chính quyền liên bang từ Điều 62 đến 69
7. Hành pháp liên bang từ Điều 70 đến 82
8. Thi hành luật và hành chính liên bang từ Điều 83 đến 91
8a. Nghiã vụ chung và hợp tác hành chính từ Điều 91a đến 91e
9. Tư pháp từ Điều 92 đến 104
10. Tài chính từ Điều 104a đến 115
10a. Quốc phòng từ Điều 115a đến 115l
11. Quy định chuyền tiếp và cuối cùng từ Điều 116 đến 146
Sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ và nước Đức thống nhất 3. 10. 1990, Luật cơ bản trở thành Hiến pháp của toàn nước Đức với thủ đô Bá Linh (Berlin).
Ý nghĩa Hiến Pháp
1. Hiến pháp là khởi nguồn của hệ thống chính danh
Hiến pháp thường được hiểu là một trật tự pháp lý cơ bản giới hạn quyền lực, ràng buộc trách nhiệm nhà nước và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân. Đó là tổng thể tất cả các qui phạm qui định trật tự pháp lý cơ bản của nhà nước, đặc biệt là các vấn đề hình thức nhà nước, cơ chế xác lập các cơ quan nhà nước tối cao và bảo vệ các quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Tuy nhiên Hiến pháp Đức không đơn thuần chỉ là bản điều lệ tổ chức quốc gia, ngoài các điều khoản quy định chính thể cộng hoà, dân chủ, cấu trúc liên bang, các cơ quan liên bang, thẩm quyền tư pháp, hành chính, bầư cử, bổ nhiệm. . . Hiến pháp còn làm rõ nguồn gốc chính danh cho sự cai trị cũng như thực hiện ý tưởng Nhân quyền, dân quyền.
Lời nói đầu (Präambel): “Ý thức trách nhiệm trước Thiên chúa và loài người, với mong muốn phục vụ hòa bình thế giới trên tư cách là một thành viên bình đẳng trong một Châu Âu liên hợp, thông qua cơ quan lập hiến của mình, nhân dân Đức đã tự ban hành Luật căn bản này” đã thể hiện tinh thần tự chủ, tự ý thức, tự trách nhiệm và quyết định ý muốn của một dân tộc tự do không phải xin phép người nào dù đất nước đang bị chiếm đóng. Luật pháp tân tiến của Phương Tây được hiểu là những kết quả thể hiện ý muốn tự do cuả công dân.
Tuyên xưng „ý thức trách nhiệm trước Thiên chúa“ trong Lời nói đầu không có ý nghĩa đề cao Thiên chúa giáo và phân biệt các tôn giáo hay tín ngưỡng khác, mà các nhà kiến tạo Hiến pháp muốn nhấn mạnh bản sắc văn hoá mà đất nước Đức xây dựng và phát triển dựa trên Thiên chúa giáo. Nhà nước không thể thờ ơ một khi gốc rễ tôn giáo và tinh thần của dân tộc bị suy yếu và hiểm nguy.
2. Hiến định các quyền cơ bản
Điều đầu tiên, trang trọng nhất của Luật Cơ bản của Đức là quy định về nhân phẩm:
Điều 1 [Nhân phẩm – nhân quyền – giá trị pháp lý của các quyền cơ bản]
„Phẩm giá con người là bất khả xâm phạm. Tôn trọng và bảo vệ nó là nhiệm vụ của tất cả các cơ quan nhà nước. Nhân dân Đức do đó thừa nhận các quyền bất khả xâm phạm và bất khả nhượng của con người như là cơ sở của mọi cộng đồng, của hòa bình và công lý trên thế giới.
Các quyền cơ bản sau đây sẽ ràng buộc các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp như luật có thể áp dụng trực tiếp“. Các quyền cơ bản từ điều 2 tới 19 cũng là những quyền công dân và quyền cơ bản tư pháp được thể hiện có hệ thống, mẫu mực, đầy đủ và rõ ràng. Các điều này đảm bảo con người hành sử tự do để thăng tiến. Điều 2 [Tự do cá nhân] Điều 3 [Bình đẳng trước pháp luật] Điều 4 [Tự do tín ngưỡng và lương tâm] Điều 5 [Tự do ngôn luận] Điều 6 [Hôn nhân - gia đình - trẻ em] Điều 7 [Hệ thống giáo dục] Điều 8 [Tự do hội họp] Điều 9 [Tự do lập hội] Điều 10 [Bảo mật thư tín, bưu chính và viễn thông] Điều 11 [Tự do đi lại] Điều 12 [Tự do nghề nghiệp] Điều 13 [Bất khả xâm phạm nhà riêng] Điều 14 [Tài sản - thừa kế - tước quyền sở hữu] Điều 15 [Xã hội hóa] Điều 16 [Quốc tịch - dẫn độ] Điều 16a [Quyền tị nạn] Điều 17 [Quyền khởi kiện] Điều 17a [Hạn chế quyền cơ bản trong các trường hợp cụ thể] Điều 18 [Tước quyền cơ bản] Điều 19 [Hạn chế các quyền cơ bản – các cơ chế pháp lý]
“Nhân phẩm là bất khả xâm phạm” phản ánh đầy đủ tính nhân bản, tính dân tộc và tính thời đại của Hiến pháp Đức. Những hành vi của công quyền như bắt người làm nô lệ, tra tấn, phân biệt đối xử, làm nhục, từ chối cung cấp những điều kiện sống tối thiểu của một con người đều là những hành vi xâm phạm nhân phẩm và vi hiến. Tất cả mọi người đều được bảo vệ nhân phẩm, không phân biệt người đó là ai, trẻ em hay người trưởng thành, người bị tâm thần hay tội phạm, Không chỉ việc tử hình bị coi là vi phạm nhân phẩm con người, mà ngay cả hình phạt tù chung thân (die lebenslange Freiheitsstrafe) không chú ý đến khả năng hoàn lương của con người cũng bị coi là vi phạm nhân phẩm .
3. Xây dựng một chế độ đại nghị, dân chủ, pháp trị và đa đảng
Điều 20 [Những nguyên tắc hiến định - bảo vệ trật tự hiến pháp]
„Cộng hòa Liên bang Đức là một nhà nước liên bang dân chủ và xã hội. Mọi quyền lực của các cơ quan nhà nước có nguồn gốc từ nhân dân. Quyền lực đó được nhân dân thực hiện trong bầu cử, biểu quyết và thông qua các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp cụ thể. Cơ quan lập pháp sẽ bị ràng buộc vào hệ thống hợp hiến, hành pháp và tư pháp vào luật pháp. “
Sự tổ chức ở Liên bang và các tiểu bang được thực hiện theo những nguyên tắc quy định trong điều 20 của Luật cơ bản: Cộng hoà, Dân chủ, Pháp trị xã hội và liên bang, Các nguyên tắc này sẽ chỉ định thiết lập các cơ quan hiến định, với thẩm quyền, phân quyền, kiểm soát và cân bầng nhau.
Pháp trị
- Ràng buộc các cơ quan công quyển vào Hiến pháp và luật pháp.
- Phân quyền, kiểm soát và cân bằng các quyền Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp .
- Giao quyền thẩm tra các hành vi của Hành pháp và Lập pháp cho các thẩm phán.
- Thẩm phán độc lập và chỉ tuân thủ theo pháp luật
- Cấm hồi tố .
- Tự do cá nhân chỉ có thể bị hạn chế dựa trên luật pháp. Cấm truy bức và tra tấn người bị giam giữ .
- Huỷ bỏ án tử hình
Cộng hoà
Quốc gia không quy chiếu theo ý thức hệ, tôn giáo, hay vua chúa . Dưới chính thể Cộng Hoà, nhân dân bầu lãnh đạo với nhiệm kỳ giớí hạn thay vì lãnh đạo được thừa kế hoặc tuyển chọn và tại vị cả đời như trong chính thể độc đảng, thần quyền, quân Chủ.
- Chính quyền được lập ra sau cuộc bầu cử với một nhiệm kỳ giới hạn.
Dân chủ
- Nguyên tắc dân chủ đòi hỏi mọi quyền lực xuất phát từ ý dân thể hiện qua bầu cử hay biểu quyết .
- Quốc hội lập chính quyền và có thể giải nhiệm chính quyền
- Hiến định vai trò chính đảng trong sinh hoạt chính trị quốc gia.
- Công nhận vai trò xã hội dân sự
- Tôn trọng tự do báo chí, truyền thông.
- Ưu tiên dân chủ đại diện thay vì dân chủ trực tiếp. Trưng cầu dân ý không thực hiện ở bỉnh diện liên bang.
Liên bang
Nhà mước liên bang bao gồm nhiều tiểu bang . Quy định cấu trúc phản ảnh truyền thống phân quyền, bảo vệ thiểu số và hội nhập xã hội mà vẫn duy trì tính tự trị tương đối, đảm bảo quyền tham dự . Trên bình diện liên bang các tiểu bang tham dự vào việc lập pháp thông qua Thượng viện. Trong Thượng viện Đức không có nghị sĩ do dân bầu mà là các đaị biểu của tiểu bang. Đức hiện nay có 1 chính quyền liên bang ở Bá Linh vả 16 chính quyền tiểu bang
Nhà nước xã hội
Hiến pháp quy định nguyên tắc xã hội như môt cam kết chính sách xã hội đối với nhả nước. Nhà nước có quyền can thiệp vào sở hữu vỉ mục đích cân bằng xã hội.
Nhà nước cởi mở
Hiến pháp Đức dự kiến định hướng nhà nước cởi mở cho phép Liên bang chuyển giao thẩm quyền cho các tổ chức xuyên quốc gia hay quốc tế.
Lập Pháp
Chính thể nước hiện nay là chính thể cộng hòa đại nghị điển hình trên thế giới. Nghị viện gồm Quốc hội liên bang, gọi là Hạ Viện liên bang (Bundestag) và Hội đồng liên bang, gọi là Thượng viện liên bang (Bundesrat)
Hạ Viện
Điều 38 [Bầu cử] „ Thành viên của Hạ viện Đức được bầu từ các cuộc bầu cử phổ thông, trực tiếp, tự do, bình đẳng và bỏ phiếu kín. Họ đại diện cho toàn dân, không bị ràng buộc bởi các chỉ đạo hoặc hướng dẫn và chỉ chịu trách nhiệm trước lương tâm mình. Mọi người đã đến tuổi 18 sẽ được quyền bỏ phiếu, người nào đã đạt tuổi trưởng thành đều được bầu. “
Điều 39 [Nhiệm kỳ - Triệu tập] „Hạ viện được bầu theo nhiệm kỳ 4 năm. Nhiệm kỳ của nó kết thúc khi Hạ viện mới được triệu tập“.
Thượng Viện
Điều 50 [Các chức năng] „Các Bang sẽ tham gia, thông qua Thượng viện, vào hoạt động lập pháp, hành chính của Liên bang và các vấn đề liên quan đến Liên minh Châu Âu. “
Điều 51 [Thành phần] „Thượng viện sẽ bao gồm các thành viên của chính quyền các Bang, các Bang bổ nhiệm và triệu hồi các thành viên đó. Các thành viên khác của các chính quyền đó có thể hoạt động thay thế. Mỗi Bang sẽ có tối thiểu 3 phiếu bầu; các Bang có hơn 2 triệu dân sẽ có 4 phiếu, các Bang có hơn 6 triệu dân sẽ có 5 phiếu, và các Bang hơn 7 triệu dân sẽ có 6 phiếu. “
Về hành pháp, Hiến pháp có hai thiết chế
Tổng thống liên bang
Điều 54 [Bầu cử Tổng Thống Liên Bang] „Tổng thống Liên bang sẽ được bầu bởi Hội nghị Liên bang (Bundesversammlung) mà không qua tranh luận. Bất kỳ công dân Đức đủ điều kiện bầu cử Hạ viện và đủ 40 tuổi có thể ứng cử.
Nhiệm kỳ của Tổng thống Liên bang là 5 năm. Việc tái cử nhiệm kỳ chỉ được phép một lần.
Hội nghị Liên bang sẽ bao gồm các thành viên của Hạ viện và một số tương đương thành viên được bầu bởi nghị viện các Bang trên cơ sở đại diện tỷ lệ. “
Thủ tướng liên bang (Kanzler)
Điều 63 [Bầu cử Thù Tướng Liên Bang] „Thủ tướng liên bang được Hạ Viện bầu không cần thảo luận, theo lời yêu caầu cuả Tổng Thống liên bang „
Điều 67 [Phiếu bất tín nhiệm] „Phiếu bất tín nhiệm Hạ Viện có thể tuyên bố bẫt tín nhiệm Thủ Tướng liên bang bằng cách bầu người kế nhiệm với đa số phiếu thành viên Hạ Viện và thỉnh cầu Tổng Thống sa thải Thủ Tướng“.
Theo Hiến Pháp, Tổng thống liên bang không có nhiều quyền hành. Tổng thống liên bang là một thiết chế đại diện, không được nhân dân bầu trực tiếp mà được bầu thông qua Hội nghị liên bang (Bundesversammlung) .
Thủ tướng thực tế là người lãnh đạo chính trị đất nước. Nhưng Thủ tướng không thể cai trị một mình nên phải tìm cách dung hoà hay hợp tác với các chính đảng khác để có đa số trong Quốc hội.
Một nền dân chủ hoạt động hữu hiệu không thể thiếu các chính đảng. Vai trò chính đảng được hiến định rõ trong Điều 21 [Đảng phái chính trị] „ Các đảng chính trị tham gia vào sự hình thành của ý chí chính trị của nhân dân. Chúng được tự do thành lập. Tổ chức nội bộ của các đảng phải phù hợp với nguyên tắc dân chủ. Các đảng chính trị phải chịu trách nhiệm công khai về tài sản, các nguồn lực và việc sử dụng các quỹ của mình „.
Tư Pháp
Quyền lực Tư pháp được trao cho các Thẩm phán. Quyền lực đó được thực thi bởi Toà án Hiến pháp liên bang (Bundesverfassungsgericht), các toà án liên bang và toà án tiểu bang.
Toà án Hiến pháp liên bang
Tòa án Hiến pháp liên bang là một thiết chế bảo vệ Hiến pháp và bảo vệ nền dân chủ (wehrhafte Demokratie) ở Đức. Tầm quan trọng đặc biệt của Tòa án Hiến pháp Liên bang được thể hiện trong điều 31 Luật Tòa án Hiến pháp Liên bang: “ Các phán quyết của Tòa án Hiến pháp Liên bang là bắt buộc đối với các cơ quan hiến pháp của liên bang và tiểu bang cũng như đối với tất cả các tòa án và cơ quan nhà nước“.
Tòa án hiến pháp liên bang có hai chức năng :
Chức năng thứ nhất, Tòa án hiến pháp liên bang là một cơ quan có chức năng xét xử như các Tòa án khác (Theo các Điều 92, 93, 94, 97 Luật cơ bản ). Điều 92 qui định: “Quyền xét xử được trao cho thẩm phán”. Điều này có nghĩa rằng ở Đức, thẩm phán luôn nhận được sự tin tưởng tuyệt đối và cũng nhận lấy trách nhiệm to lớn trước nhà nước và xã hội. Qui định này được bổ sung bởi Điều 97 “Khi xét xử, thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo luật”.
Chức năng thứ hai, theo Điều 1 Khoản 1 Luật toà án Hiến pháp liên bang, Tòa án hiến pháp liên bang là một thiết chế hiến định (Verfassungsorgan) giống như các thiết chế khác ở liên bang như Hạ viện, Thượng viện, Tổng thống liên bang và Chính phủ liên bang .
Hai chức năng này tạo nên vị trí độc lập của Tòa án hiến pháp liên bang trong hoạt động xét xử.
Quốc gia cởi mở
Hiến pháp Đức dự kiến định hướng nhà nước cởi mở cho phép Liên bang chuyển giao thẩm quyền cho các tổ chức xuyên quốc gia hay quốc tế như Liên minh Âu châu EU và Minh ước bắc đại tây dương NATO hay Toà án quốc tế.
Nhờ vậy Cộng hoà liên bang Đức đã nhanh chóng hội nhập trở laị Cộng đồng các quốc gia dân chủ và văn minh. Nay Cộng hòa liên bang Đức là một quốc gia có ảnh hưởng rất lớn ở châu Âu, là đối tác quan trọng trên phạm vi toàn cầu.
Nước Đức là một thành viên sáng lập Liên minh châu Âu (EU) và là nước đông dân nhất trong khối. Cùng với 17 thành viên EU khác, Đức xây dựng Khu vực đồng Euro, một liên minh tiền tệ. Đức còn là thành viên của UNO (Liên hiệp quốc), của OECD (Tổ chức hợp tác kinh tế và phát triển), của NATO (Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương), của tổ chức G7 (Bảy nước kinh tế hàng đầu thế giới gồm Mỹ, Canada, Nhật, Đức, Anh, Pháp, Ý) và tổ chức G20 (Hai mươi nước công nghiệp phát triển của thế giới).
Tính hiệu quả của Hiến pháp trong thực tiễn chính trị tại Đức
Hiến pháp là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất . Tất cả việc tổ chức và hoạt động của nhà nước phải được đặt trên cơ sở Hiến pháp. Hiến pháp đặt ra nhửng quy định cho guồng máy chính trị quốc gia và tính hiệu quả của Hiến pháp chỉ có thể xác nhận khi những quy định được tuân thủ trong thực tế.
Quy định bảo vệ các quyền cơ bản của công dân
Hiến pháp CHLB Đức thừa nhận nhân quyền và dân quyền. Các quyền này ràng buộc các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp như luật phải tôn trọng và bảo vệ. Nếu bất cứ ai bị các cơ quan công quyền xâm hại các quyền cơ bản đều có quyền khởi kiện tại Toà án.
Quy định xây dựng guồng máy chính trị-hành chính quốc gia
Hiến pháp đề ra sáu nguyên tắc căn bản cho việc tổ chức nhà nước: Pháp trị, cộng hoà, dân chủ, liên bang, xã hội và cởi mở. ̀Quy định này được tuăn thủ vả sinh hoạt chính trị đã tạo ra một chế độ có bốn đặc điểm:
1. Một nền dân chủ hiến trị . Theo đó phạm vi hoạt động chính trị bị luật pháp và hiến pháp được diễn giải bởi Toà án hiến pháp liên bang giới hạn . Phương châm „cai trị cùng thẩm phán“ trong thực tế đã bị phương châm „cai trị thông qua thẩm phán“ thay thế.
2. Một sự pha trộn dân chủ đa số với dân chủ thương thảo. Vì cấu trúc liên bang-tiểu bang vả khó khăn lập chính quyền hay thông qua dự luật nên các chính đảng câm quyền vả đối lập phải tỉm giải pháp đồng thuận.
3. Đức không chỉ là nhà nước đa đảng mả cỏn lả nhả nước của Hiệp hội xã hội dân sự. Nhà nước chuyển giao một số trách nhiệm cho hiệp hội và đổng thời ràng buộc các hiệp vào các cơ quan lãnh đạo.
4. Nhà nước nửa dân chù, nửa chủ quyền vì định hướng cởi mở
Thay lời kết
- Các quyền cơ bản trong Hiến pháp bao gổm nhân quyền và dân quyền là những quyền có thực chất và sức mạnh thi hành.
- Các định hướng cơ bản cùa Hiến pháp đã góp phần kiến tạo một quốc gia thực sự dân chủ, pháp trị và xã hội
- Toà án Hiến Pháp có uy quyền đảm bảo sự thực thi luật pháp và tính độc lập của toà án
Luật cơ bản của CHLB Đức đến nay đã trải qua lịch sử 70 năm (1949 - 2019) đã góp phần xây dựng Đức từ hoang tàn đổ nát sau chiến tranh và thảm họa độc tài trở thảnh một quôc gia hiến trị dân chủ ổn định và tân tiến nên Luật cơ bản được nhân dân Đức chấp nhận là bản Hiến pháp tốt nhất từ trước đến nay dù không thông qua trưng cầu dân ý.
Vũ Ngọc Yên - <ngocyenvu@gmx.de>